Thư giãn dưới vòi nước nóng giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày làm việc kéo dài. Nhưng nếu tắm nước quá nóng, hay tắm quá lâu thì lại có thể là nguyên nhân làm giảm chất lượng tinh trùng, thậm chí có thể gây vô sinh, vì sao?
Hiện nay tỷ lệ vô sinh ở nam giới đang ngày càng có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân. Trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ những thói quen trong sinh hoạt như tắm nước quá nóng, ngâm mình quá lâu bằng nước nóng trong bồn tắm…
Vô sinh từ thói quen không ngờ
Vợ chồng anh T, chị H. ở Việt Trì (Phú Thọ) cưới nhau đã được hơn một năm, cả nhà đều mong ngóng ngày họ mang thai đứa con đầu lòng nhưng mãi vẫn chưa thấy. Sốt ruột, hai anh chị đi khám tại bệnh viện chuyên khoa. Khi đến viện, bác sĩ tư vấn về lịch sử sinh hoạt hàng ngày thì thấy anh T. có thói quen tắm khuya và tắm nước rất nóng. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến họ sống với nhau hơn một năm, không sử dụng biện pháp phòng tránh nào vẫn không có thai.
Vợ chồng anh N.H.K và chị L.H.G ở Cầu Giấy (Hà Nội) thì đến phòng khám do anh K. thời gian gần đây mất khả năng cương cứng khi quan hệ tình dục . Vợ chồng lục đục do chị G. nghi ngờ anh không chung thủy, có quan hệ ngoài luồng. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện anh K. thường xuyên tắm nước rất nóng và ngâm mình trong bồn tắm nước nóng mỗi ngày từ 30-45 phút.
BS. Lê Vũ Tân (khoa Nam học – Bệnh viện Bình Dân) cho biết, chính những thói quen thường ngày, trong đó có việc thường xuyên tắm nước quá nóng kéo dài lại là nguyên nhân không ngờ gây ra những tình trạng trên.
Nhiệt độ có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ?
Theo BS. Lê Vũ Tân, vị trí của bìu – túi chứa tinh hoàn ở bên ngoài cơ thể giúp nó duy trì nhiệt độ tối ưu cho quá trình sản xuất tinh trùng , thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 2-8 độ C. Tuy nhiên, các hoạt động phổ biến như đi xe đạp, sử dụng máy tính xách tay trên đùi hoặc tắm nước nóng có thể làm tăng nhiệt độ bìu, gây “căng thẳng nhiệt” trên tinh hoàn.
Căng thẳng nhiệt độ này tác động tiêu cực đến việc sản xuất tinh trùng, do đó có thể gây hại cho khả năng sinh sản. Các tác động bao gồm giảm nồng độ và khả năng di chuyển của tinh trùng và giảm số lượng tinh trùng có hình dạng chuẩn (được gọi là hình thái).
Một nghiên cứu cho thấy ngay cả khi nhiệt độ tinh hoàn tăng nhẹ cũng dẫn đến số lượng tinh trùng thấp hơn sau vài tuần. Nhiệt độ ấm hơn cũng làm tăng đáng kể dị bội tinh trùng (một số lượng nhiễm sắc thể bất thường do tinh trùng mang). Mặc dù những thay đổi này có thể ảnh hưởng tạm thời đến khả năng sinh sản, nhưng tinh trùng sẽ phục hồi sau một chu kỳ sinh tinh (khoảng 60-70 ngày).
Nghiên cứu trên nam giới vô sinh với chứng giãn mạch thừng tinh (các tĩnh mạch ở bìu mở rộng có thể gây tăng nhiệt) chỉ ra rằng nhiệt độ bìu cao hơn có liên quan đến nồng độ và khả năng vận động của tinh trùng thấp hơn, cùng với việc giảm nồng độ testosterone và hormone kích thích nang trứng (rất quan trọng đối với việc sản xuất tinh trùng).
Không nên tắm nước quá nóng kéo dài
Tắm nước nóng ở nhiệt độ cao và quá lâu có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Ảnh: Internet
BS. Lê Vũ Tân cho biết, nam giới không nên tắm ở nhiệt độ quá cao và không nên ngâm mình quá lâu trong nước nóng. Trong thời gian ngắn thì sẽ không làm sao nhưng về lâu dài, thói quen tắm nước quá nóng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của tinh trùng, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của đấng mày râu.
Đối với những bạn nam còn trẻ và chưa lập gia đình thì tốt nhất là nên hạn chế để cơ quan sinh dục tiếp xúc với các nguồn nóng. Hãy chỉ tắm với nước nóng vừa đủ và tắm trong thời gian vừa phải để đảm bảo “tinh binh” luôn khỏe mạnh.
Để an toàn cho sức khỏe sinh sản, nên sử dụng nước nóng ở mức vừa phải khoảng dưới 40 độ C và không ngâm mình quá 20 phút. Khi thời tiết nóng, nhiệt độ ngoài trời cũng sẽ tác động tới cơ thể bởi vậy lúc này nên tắm nước lạnh là tốt nhất.
Ngoài ra, những thói quen như ngồi lên yên xe để ngoài trời nắng nóng, đặt máy tính lên đùi làm việc hoặc tiếp xúc với môi trường, mặc đồ lót bó sát có nhiệt độ cao cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh trùng, tăng khả năng dị dạng và tinh tinh trùng yếu.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết