Du khách thích thú với những phong tục tập quán của người dân Việt Nam.
Việt Nam là một địa điểm du lịch lý tưởng đối với du khách nước ngoài vì sự đa dạng của thiên nhiên, sự thân thiện của con người cũng như sự phong phú của các phong tục, tập quán của người dân nơi đây.
Trang Culture Trip có bài viết “Những phong tục chỉ có ở Việt Nam” để tổng hợp lại một số điều thú vị trong cuộc sống hằng ngày, rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng lại vô cùng lạ lẫm đối với khách nước ngoài.
Cúng đầy tháng
Bài viết bắt đầu với tục cúng đầy tháng cho trẻ em. Sau khi em bé được tròn 1 tháng tuổi, người Việt Nam thưởng tổ chức một mâm lễ cúng nhỏ, gọi là lễ đầy tháng. Theo quan niệm xưa, hành động cúng đầy tháng là để thể hiện lòng biết ơn và cầu xin bình an cho đứa trẻ mới ra đời. Ngoài ra, nhiều bà mẹ Việt cũng sẽ dành 1 tháng đầu sau khi sinh này để nghỉ ngơi ở trong nhà.
Gia đình có thể mời thêm người thân hoặc bạn bè tới cùng chung vui với sự kiện em bé đầy tháng. Tại đây, người lớn có thể tặng em bé đồng tiền may mắn.
Gà luộc
Đây là món ăn vô cùng quen thuộc, rất đặc trưng của người Việt Nam. Ở Việt Nam, dù là tiệc cưới, ngày lễ, ngày rằm hay đám tang,.. đều phải có gà luộc, Đó là món ăn “chủ lực”, “không thể thiếu” chứ không phải là một lựa chọn nên có hay không, bài viết cho hay.
“Và cứ nhìn thấy cách người Việt yêu thích món gà luộc của mình, người ta lại tin rằng, ẩm thực nước này sẽ chẳng thể nào bị ‘Tây hóa’ cho dù có bao nhiêu chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh đang mọc lên như nấm ở ngoài kia,” bài viết khẳng định.
Hỏi những câu mang tính cá nhân
Nhiều du khách nước ngoài tới Việt Nam có thể sẽ cảm thấy không quen, thậm chí là “sốc” khi thi thoảng sẽ bị người địa phương chưa quen biết hỏi các câu hỏi cá nhân như: “Bạn đã kết hôn chưa?”, “Bạn đã có em bé chưa?”, “Bạn bao nhiêu tuổi?”.
Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ ra, việc đặt những câu hỏi này đôi khi chỉ là một cách để chào hỏi, vì vậy hãy cứ bình tĩnh, “và mặc dù không muốn trả lời những câu hỏi mang tính cá nhân, hãy cứ thử mở lời, nói những câu chuyện khác, bạn sẽ rất nhanh chóng trở nên hòa nhập với người dân địa phương ở đây.”
“Mời cả nhà ăn cơm!”
Theo cách cư xử được coi là đúng mực, người nhỏ hơn trong gia đình cần mời người lớn dùng bữa trước mỗi lần ngồi vào bàn ăn. Tuy nhiên, “độ khó” của hành động này đến từ quan hệ họ hàng hết sức phức tạp của người Việt.
Bài viết cho hay, những người họ hàng không thường xuyên gặp nhau, nhiều khi sẽ khó biết được đâu là người có “vai vế” cao hơn bởi người Việt không tính “vai vế” trong gia đình theo tuổi tác. Và thế là, đôi khi người ta cũng khó có thể biết được ai mới phải là người mời ai.
Bật bài hát tiếng Anh trong những dịp lễ
Bài viết trên Cuture Trip “cảnh báo” rằng “Đừng cảm thấy quá bất ngờ khi trong những dịp lễ hội, đầu năm mới, hay trong tiệc cưới, mọi người sẽ bật những bài hát tiếng Anh đã từ rất lâu như “Happy New Year” của ABBA; “You’re My Heart, You’re My Soul” của Modern Talking,…”
Cũng không biết từ lúc nào và bằng cách nào, những bài hát ngoại quốc này đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngày lễ ở Việt Nam.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết