Tháng 7/2021, Nội các Tây Ban Nha thông qua dự luật để siết chặt định nghĩa về hiếp dâm, theo đó yêu cầu phải có sự đồng ý rõ ràng của đối phương trước khi quan hệ tình dục.
Luật mới quy định rằng việc “im lặng hoặc thụ động không có nghĩa là đồng ý”, và việc “không thể hiện sự phản đối cũng không được dùng làm cớ để hành động ngược với ý muốn của người kia”.
Quy định mới được đưa ra sau vụ cưỡng hiếp tập thể gây chấn động năm 2016, trong đó 5 người đàn ông cưỡng hiếp cô gái 18 tuổi tại một lễ hội đua bò ở Pamplona, miền Nam Tây Ban Nha.
Nhóm đàn ông tự gọi là “bầy sói” bị kết tội lạm dụng tình dục, thay vì tội nặng hơn là tấn công tình dục (bao gồm cưỡng hiếp), vì tòa án không tìm thấy bằng chứng cho thấy họ đã có hành vi bạo lực cơ thể của cô gái.
Hai người đàn ông trong số này đã quay phim vụ việc, cho thấy cô gái im lặng và thụ động. Tòa án diễn giải việc này là đồng thuận.
Phán quyết của tòa gây phản ứng mạnh trong dư luận, dẫn đến một làn sóng biểu tình rầm rộ trên cả nước để đòi thay đổi luật.
Luật mới, được đặt tên là “chỉ ừ mới là ừ”, định nghĩa cưỡng hiếp là hành vi quan hệ tình dục mà không có sự đồng ý rõ ràng của người kia, tương tự quy định được áp dụng tại Thụy Điển từ năm 2018.
Theo luật mới của Tây Ban Nha, hành vi quan hệ tình dục không có sự đồng thuận bị coi là tấn công và người phạm tội có thể bị kết án lên đến 15 năm tù.
Luật mới cũng quy định hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc và quấy rối tình dục người lạ trên phố là tội hình sự.
Tây Ban Nha được coi là nước đi đầu trong nỗ lực chống bạo lực nhằm vào phụ nữ, sau khi nước này thông qua luật đầu tiên ở châu Âu về chống bạo lực gia đình vào năm 2004.
Chỉ có một số nước châu Âu thay đổi định nghĩa về cưỡng hiếp là hành vi quan hệ tình dục mà không có đồng thuận, bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Đức và Ireland.
Theo France24
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết