Những năm gần đây, đề tài: ‘Trẻ em có nên học tiếng Anh sớm hay không? Học sớm có khoa học hay không? Độ tuổi nào là thích hợp để trẻ bắt đầu học?’ đã gây nhiều tranh cãi trong xã hội.
Một “trường phái” cho rằng nên cho trẻ học tiếng Anh từ 3-4 tuổi, càng sớm càng tốt. Vì khi đó phương ngữ (accent) không ảnh hưởng tới dây thanh đới của trẻ. Trẻ sẽ học phát âm tiếng Anh nhanh hơn. Thêm nữa, trẻ vẫn còn như tờ giấy trắng nên chúng “ghi” gì cũng nhanh và dễ.
“Trường phái” đối lập cho rằng trẻ em không nên học tiếng Anh từ sớm, phải đợi đến khi khá thành thạo và hoàn thiện về hệ tiếng Việt trước. Học tiếng Anh sớm sẽ dẫn tới bị loạn ngữ. Theo quan điểm này, độ tuổi thích hợp để trẻ học tiếng Anh nên là từ lớp 4.
Thầy Đỗ Cao Sang, thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục, tác giả cuốn sách “Tiếng Anh thú vị hơn em tưởng”, đồng thời có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tiếng Anh đã giải đáp những thắc mắc của phụ huynh xung quanh vấn đề này.
Trẻ học tiếng Anh sớm, nên hay không?
1. Muốn cho con em học tiếng Anh từ sớm nhưng sợ con chưa thạo tiếng Việt, sau lại bị lẫn lộn 2 ngôn ngữ?
Theo thầy Sang: “Loạn ngữ do học song song 2 ngôn ngữ từ bé, theo trải nghiệm học tiếng Anh của bản thân tôi và tham khảo từ các sách nghiên cứu khác, tôi cho rằng đó không phải là vấn đề lớn lắm. Minh chứng là rất nhiều gia đình là dân nhập cư vào các nước nói tiếng Anh: Trẻ đến trường thì sử dụng ngoại ngữ, về nhà thì sử dụng tiếng Việt. Vậy mà trẻ vẫn tiếp thu, sử dụng, tư duy cả 2 ngôn ngữ hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, tôi không ủng hộ việc cho trẻ học tiếng Anh từ bé nếu như sự học không liên tục. Nhiều bạn có đầu tư cho con học nhưng lại… cách quãng. Chẳng hạn, bạn “nhét” con đến những trung tâm tiếng Anh được mỗi tuần 1 – 2 buổi thì chẳng có tác dụng nhiều lắm. Tôi xin khẳng định điều này!
Nguyên nhân thứ nhất của việc đi học trung tâm tiếng Anh bị cách quãng là do trẻ… không có thời gian. Cả ngày trẻ học ở trường, buổi tối còn phải làm bài tập trên lớp hoặc dành thời gian nghỉ ngơi cho ngày hôm sau. Số buổi học ở trung tâm nhiều lắm cũng chỉ được 2 buổi trong tuần. Còn lại phải tranh thủ vào hai ngày cuối tuần.
Nguyên nhân thứ hai, là do học phí cao quá! Tâm lý chung, khi lựa chọn trung tâm học cho con đa số cha mẹ đều muốn lựa chọn nơi có tên tuổi, có giáo viên bản ngữ mới bõ công đầu tư. Vì thế mức học phí cũng không phải là thấp. Để con theo được mức học phí như vậy, hầu hết các cha mẹ phải còng lưng kiếm tiền chi trả. Dẫn đến có cháu thì theo được tuần 1 – 2 buổi, sau thì tháng 1 buổi. Việc học cách quãng như này, theo tôi, không có tác dụng gì cả mà chỉ thêm áp lực cho cha mẹ, cho bản thân các cháu.
2. Trẻ lên mấy tuổi thì nên bắt đầu học?
Theo thầy Sang: “Về độ tuổi trẻ nên học tiếng Anh, theo tôi, cũng không quan trọng bằng “sự học liên tục”, tiếp cận liên tục”.
3. Vậy trẻ học tiếng Anh sớm thì có lợi hơn hay không?
Theo thầy Sang: Trẻ học tiếng Anh sớm có lợi hơn nhưng không đáng kể. Chẳng hạn, một cháu bé chăm chỉ cần mẫn, nỗ lực hết sức, có chút năng khiếu, có tư duy ngôn ngữ tốt thì học từ năm lớp 7, lớp 8 vẫn có kết quả tốt, vẫn đủ “vốn liếng” tiếng Anh để lên cấp 3 và chuẩn bị hành trang vào đại học. Sự chênh lệch giữa một trẻ học tiếng Anh từ sớm và một trẻ học từ lứa tuổi lớp 7, lớp 8 (một cách đàng hoàng) thì không cách xa nhau bao nhiêu cả.
Vấn đề ở đây là, các bậc bố mẹ cần phân biệt giữa việc yêu thương lo lắng và việc áp đặt mong muốn của bản thân lên con cái. Vì bản thân bố mẹ tiếng Anh thì kém lại lười học, nhưng lại đặt trách nhiệm, gánh nặng lên vai con trẻ phải hoàn thành “ước mơ giỏi tiếng Anh” của mình.
Bạn nên hiểu rằng, chính bố mẹ là tấm gương tốt nhất, gần gũi nhất cho con cái học theo. Nếu bố mẹ cần mẫn, chăm chỉ học, nghiên cứu thì tự khắc trẻ cũng muốn “bắt chước” theo để được giống như bố mẹ mình. Thêm nữa, khi bạn có tư duy, có thói quen chăm chỉ học như vậy, bạn mới có “bằng chứng” để dạy con. Đừng bắt con mình làm những việc mà bản thân bạn còn chưa làm được!
Theo tôi, cách tuyệt vời nhất là bố mẹ cùng học, cùng đọc với con. Vừa tăng kiến thức, vừa gần gũi con và thêm gắn kết gia đình. Còn gì tuyệt vời hơn khi con cái bạn ham học, tránh xa game, TV, điện thoại… bởi chúng được gần bố mẹ sau cả một ngày “xa cách”.
Học tiếng Anh tại các trung tâm không phải yếu tố sống còn để có thể giỏi
Theo thầy Sang, học ở các trung tâm tiếng Anh cũng có cái tốt – nếu như gia đình nào có đủ điều kiện kinh tế cho con theo học liên tục nhiều năm. Nhưng nếu con bạn không theo học ở trung tâm nào thì cũng cứ yên tâm, chẳng sao cả. Vì con bạn vẫn có thể hoàn toàn tự học được. Ngày nay, bạn không còn phải lo nếu không tới trung tâm thì không có tài liệu học như thời của vài chục năm trước đây nữa.
Học tiếng Anh tại các trung tâm không phải yếu tố sống còn để có thể giỏi. Thực tế có rất nhiều bạn trẻ giỏi tiếng Anh là ở quê và tự học. Bạn cứ điểm lại sẽ thấy hầu hết thủ khoa các trường cũng là học sinh từ tỉnh lẻ, thậm chí có bạn nhà còn rất nghèo.
“Theo tôi, các cha mẹ cần dẹp bỏ tư duy theo kiểu công thức: “Cho con học thầy X với mức học phí Y thì cuối tháng con sẽ thu về lượng kiến thức Z”. Đây là công thức của kinh tế, toán học, không thể áp dụng cho giáo dục được. Học hành, giáo dục, tri thức không nằm trong quy luật mua bán của kinh tế.
Không phải cứ có nhiều tiền, học trường xịn thì sau này con mình ắt chiếm thế thượng phong. Cũng không phải người ở quê không có khả năng tiếp thu và sau này trở nên yếu thế hơn người thành thị. Vậy, việc cần làm ở đây là gì? Thứ nhất, cha mẹ phải là người hiểu biết trước, làm mẫu trước thì sẽ có định hướng cho con tiếp cận với tiếng Anh và thậm chí cả các môn học khác đúng đắn. Thứ hai, quan trọng là khi đã học thì học cho đàng hoàng và nghiêm cẩn”, thầy Sang nói.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết