Thị trường bất động sản hiện tại đang ghi nhận một vài tín hiệu tương tự như giai đoạn 2009-2010. Một số chuyên gia dự đoán, áp lực lãi vay sẽ làm cho một bộ phận nhà đầu tư phải bán tháo trong thời điểm cuối năm 2022.
Thị trường BĐS dường như trở nên “nhạy cảm” với loạt thông đến đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc sự xuất hiện của những dự án BĐS. Đơn cử như cơn sốt đất xuất hiện tại các địa điểm ven Vành đai 4 như Sóc Sơn, Hà Đông, … (Hà Nội). Tại Sóc Sơn ghi nhận có lô đất tăng gấp 5 lần chỉ trong 3 tháng. Một vài địa điểm khác như xã Minh Phú, Bắc Sơn (Sóc Sơn) tăng 30%-100%. Ở các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Thạch Thất, có những nơi giá đất tăng 50% so với cách đây 4-6 tháng.
Mới đây, thị trường BĐS Bình Phước cũng ghi nhận cơn sốt giá khi thông tin tỉnh này kiến nghị xây cầu nối Đồng Nai. Giá chào bán đất ven ĐT 753 khu vực huyện Đồng Phú, Bình Phước nhảy múa khi lượng NĐT và môi giới đổ về.
Đại diện chính quyền xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú chia sẻ với báo chí cho hay, giá đất vị trí dọc hai bên tuyến đường ĐT753 tăng hơn 30% trong vòng 3 ngày.
Giá tăng mạnh, đó là diễn biến đậm nét ghi nhận trên thị trường BĐS. Lý do khiến giá tăng được cho là đến từ tâm lý trữ tiền vào đất trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Sự kỳ vọng và tâm lý lo lắng biến động đã đẩy giá bất động sản tăng mạnh. Song, theo khảo sát và nhận định từ các tổ chức nghiên cứu thị trường địa ốc, lượng giao dịch lại thấp.
Những dấu hiệu bất thường của thị trường hiện tại làm cho một số NĐT nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ, kịch bản của năm 2009 đang xuất hiện dần. Đó là thời kỳ mà thị trường ghi nhận sự nóng – lạnh bất thường.
Theo ông Khoa, NĐT từng chứng kiến thời kỳ BĐS trước, cuối năm 2008, thị trường BĐS ghi nhận giá căn hộ, BĐS tăng nhưng lượng giao dịch thành công không cao. Đến đầu năm 2009, thị trường ấm và “nóng” khi giá tăng mạnh. Đến cuối năm 2009, đa phần là dân đầu cơ mua đi bán lại làm giá tăng ảo. Sau đó, thị trường ghi nhận tình trạng thanh khoản chậm dần.
Năm 2010, thị trường BĐS liên tục ghi nhận dòng tiền đổ mạnh vào BĐS, lượng dự án xây dựng ồ ạt. BĐS ở Việt Nam cũng ghi nhận mức giá đất tăng chóng mặt, có nơi tăng 30%, thậm chí có nơi tăng 150-200%.
Ông Khoa kể lại, giá 1m2 đất ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (ngoài đê sông Hồng) giá bán dao động 50 – 60 triệu đồng/m2 trong năm 2010, trong khi cuối năm 2009 chỉ có 20 triệu đồng/m2. Một vài vị trí nội thành như Thanh xuân, cầu Giấy, có nơi còn làm giá với mức 100-450 triệu đồng/m2. Một vài căn nhà trong ngõ sâu người ta vẫn rao bán với giá trên 50 triệu đồng/m2.
Theo ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro, thị trường BĐS đang giống như năm 2009 về giá. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, sẽ không có bong bóng vỡ và nguy cơ đóng băng như trước bởi sự can thiệp hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam khẳng định, khi lạm phát diễn ra, cho dù giá BĐS tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Điều mà ông Khương lo lắng chính là nhiều NĐT cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây sức ép lên hệ thống ngân hàng.
Ông Khương nói, thời kỳ 2011-2012 là giá BĐS trên toàn thị trường giảm đến 30% bởi khi đó các NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Còn lại, thực tế cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, BĐS lại tăng giá.
Thế nên, ông Khương cảnh báo, trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, giới đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính, tránh lặp lại hiện trạng “chết trên đống tài sản” đã từng xảy đến trong quá khứ.
Vị lãnh đạo Savills dự đoán, trong 9 đến 12 tháng tới, việc một số NĐT buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được áp lực từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Song, tính đầu cơ của nhóm này không cao, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Đồng thời, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam trong tương lai gần còn rất hạn chế, vì vậy việc giảm giá BĐS là rất khó xảy ra.
Lifehub tổng hợp