”Mình lên mạng đi kiếm khách, khiến người ta phải yêu mình rồi bắt họ nạp tiền vào thì người ta sẽ làm, không có tiền thì dụ dỗ yêu rồi nói với họ là sang Campuchia làm lương cao lắm”.
Lực lượng Biên phòng Kon Tum phối hợp với lực lượng Biên phòng tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức giải cứu, đưa về nước thành công em Y Liên bị lừa bán sang Campuchia với lời hứa việc nhẹ lương cao. Những gì đã xảy ra với em Y Liên cho thấy đang có rất nhiều cạm bẫy bủa vây người trẻ vốn bồng bột, chưa có kinh nghiệm sống và thiếu cảnh giác.
Sau hơn hai ngày được bộ đội biên phòng giải cứu từ Campuchia đưa về với gia đình, tinh thần của em Y Liên đã dần ổn định. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khá tuyềnh toàng ở thôn Kei Joi, xã biên giới Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, các thành viên trong gia đình, nhất là ông bà, bố mẹ và các em của Y Liên đều bảy tỏ niềm vui của mình.
Anh A Van, bố của Y Liên nói: “Chúng tôi mừng lắm. Vừa khóc nhưng lại vừa mừng vui.”
Nguồn cơn dẫn đến việc em Y Liên, 16 tuổi, dân tộc Xơ đăng nhà ở xã biên giới Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bị lừa bán sang Campuchia bắt đầu từ hành động dại dột của em. Đầu năm 2022, Y Liên sử dụng chứng minh thư của người thân để đủ tuổi lao động rồi tự ý theo người quen vào tỉnh Bình Dương làm công nhân.
Trong thời gian này Liên quen với một người đàn ông có tài khoản mạng xã hội Facebook là Lê Ngọc Nhất. Nhất dụ dỗ Liên sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương 20 triệu đồng/tháng” cho một công ty Trung Quốc và hứa nếu không làm được thì Nhất sẽ chi tiền để Liên về lại Việt Nam.
Ngày 18/4/2022, Y Liên cùng 5 người khác gồm 2 nữ, 3 nam không rõ tên tuổi, không quen biết nhau được đưa sang Campuchia qua đường mòn biên giới tỉnh Long An. Khi sang đến đất Campuchia mỗi người làm việc một nơi không liên lạc được với nhau và Nhất cũng chặn hết mọi phương tiện khiến Y Liên không thể liên lạc được với tên này.
Còn chưa hết bàng hoàng về những gì đã trải qua, Y Liên cho biết mình liên tục bị khủng bố về tinh thần trong quá trình làm việc trong các công ty của người Trung Quốc tại Campuchia: “Nghe người ta dọa là nếu không làm được thì người ta sẽ đem bán, đóng thùng mang ra biển hoặc vứt cho cá sấu. Mình chỉ được phép ở trong công ty thôi, không được đi ra ngoài. Nhiều chỗ làm từ 8h sáng đến 12h đêm. Có chỗ làm từ 10h trưa đến 11h đêm. Có chỗ làm đêm từ 11h tối đến 11h trưa”.
Do làm việc không hiệu quả, từ tháng 4 đến tháng 7/2022, Y Liên đã bị bán qua 6 công ty và mỗi lần bị bán như như vậy số tiền lại tăng lên từ 1.800 USD đến 3.500 USD. Đây cũng là số tiền mà công ty thứ 6 bắt Y Liên phải nộp khi có ý định nghỉ việc về Việt Nam.
Điều kinh khủng hơn là cả 6 công ty mà Y Liên làm việc tại Campuchia đều cùng mục đích giống nhau, đó là bắt lao động lập các app để làm quen, kết bạn lừa tình lấy tiền và dụ dỗ nạn nhân theo mình sang Campuchia.
Y Liên chia sẻ về công việc tại Campuchia: “Mình phải chào khách, đi kiếm khách, khiến người ta phải yêu mình. Yêu quá đậm rồi người ta sẽ tin tưởng vào mình. Mình bắt họ nạp tiền vào thì người ta sẽ làm. Người ta cứ càng tin tưởng mình mình cứ bắt họ nạp, kể cả 100 triệu. Người ta không còn tiền nữa thì mình kêu họ đi vay. Họ không vay được thì mình đi kiếm người khác có tiền. Người muốn tiền thì sẽ dụ dỗ yêu rồi nói với họ là sang bên này làm lương cao lắm. Mình kiếm người ở Việt Nam sang Campuchia làm sẽ được khoảng từ 300USD đến 500USD một người”.
Là cô gái dân tộc Xơ Đăng mới 16 tuổi, không quen việc, không chịu đựng nổi áp lực dùng tình lừa tiền và săn người, ngày 17/7/2022, Y Liên mượn điện thoại của một người Việt làm cùng lén liên lạc cầu cứu gia đình. Qua công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Đăk Xú nắm được thông tin về sự việc của Y Liên nên đã báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum.
Với quyết tâm giải cứu Y Liên, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Phòng phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum phối hợp với lực lượng Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã đưa được Y Liên về Việt Nam vào ngày 20/8/2022. Thời điểm được giải cứu Y Liên đang làm việc trong một công ty ở đường 702, Bãi Si Hai, tỉnh Sihanouk, Campuchia cách cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh khoảng 470 km về phía Nam.
Thông tin về quá trình giải cứu nạn nhân, Thiếu tá Bùi Công Huân, cán bộ Đội đặc nhiệm phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, cho biết: “Quá trình giải cứu nạn nhân về rất khó khăn. Liên lạc với nạn nhân Công ty họ không cho nạn nhân sử dụng điện thoại và cũng rất khó xác định nạn nhân ở vị trí nào. Trong quá trình lao động ở bên kia nạn nhân thường xuyên bị bóc lột sức lao động, thời gian làm việc từ 12 đến 18 tiếng đồng hồ/ ngày. Ngoài ra ăn uống, sinh hoạt khép kín. Lực lượng bảo vệ có súng, có đạn cho nên nạn nhân không thể ra ngoài được, không thể xác định phương hướng rất khó khăn cho lực lượng giải cứu nạn nhân”.
Sau hơn 2 ngày được giải cứu, trở về đoàn tụ cùng gia đình ở thôn Kei Joi, xã biên giới Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, Y Liên đã dần lấy lại tinh thần. Được sự động viên của các chú biên phòng cũng như ông bà, bố mẹ, em đã tự tin kể lại một cách mạch lạc quãng thời gian mình bị lừa bán và làm việc trong 6 công ty của người Trung Quốc trên đất Campuchia. Điều Y Liên muốn nói nhất lúc chia tay là cảm ơn các chú bộ đội biên phòng và mong đừng ai bị lừa sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao như Y Liên./.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết