Không chỉ dễ bị viêm họng, uống nước đá lạnh mùa hè còn đối diện với hàng loạt nguy cơ như giảm nhịp tim, ‘đóng băng não’, táo bón, khó giảm cân…
Suốt tuần nay, hai con chị Vân Anh (Đống Đa) phải uống thuốc ho. Lý do là bởi vì cả hai con chị chỉ uống nước đá lạnh trong những ngày hè oi bức. Con lớn học đại học về đến nhà việc đầu tiên cậu mở tủ lạnh, chắt cốc nước mát thật to, nhón tay thả thêm mấy viên đá rồi ngửa cổ uống một hơi hết sạch.
Cô em gái thấy anh uống như vậy cũng bắt chước làm theo. Cuối cùng, cả hai anh em đều ho như cuốc. Bực mình, chị Vân Anh bỏ hết khay làm đá, nước mát trong tủ lạnh ra ngoài. Thế nhưng hai con chị vẫn len lén đặt lại để ngày mẹ đi làm thì chúng ở nhà ra ngoài về sẵn… nước mát uống.
BS Nguyễn An, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, nhiều người có thói quen uống một cốc nước đá lạnh để giải tỏa cơn khát dưới cái nóng oi bức của mùa hè. Việc uống một ly nước đá lạnh sẽ giúp chúng ta giải tỏa được cơn khát giữa mùa hè oi bức, đem về cảm giác mát lạnh dễ chịu.
Tuy nhiên, bên cạnh việc mang đến lợi ích tức thì thì việc uống đá lạnh thường xuyên trong mùa nắng nóng sẽ khiến cơ thể chúng ta gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Đầu tiên là các vấn đề về tiêu hoá. Theo BS Nguyễn An, khi chúng ta uống nước đá, hoạt động hấp thụ chất dinh dưỡng của hệ tiêu hóa để tạo ra năng lượng bị hạn chế. Điều này có thể dẫn đến mất nước.
Ngoài ra, nước đá sẽ làm các mạch máu co lại gây cản trở hệ tiêu hóa hoạt động. “Những vấn đề thường gặp khi uống nước lạnh là đau bụng, buồn nôn, dạ dày khó chịu. Trên thực tế, khi chúng ta uống nước đá lạnh, nó không điều hòa với nhiệt độ cơ thể gây khó khăn cho việc tiêu hóa thức ăn có trong dạ dày”, BS Nguyễn An phân tích.
Không những thế, tại một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, uống nước lạnh có thể ảnh hưởng đến việc làm giảm nhịp tim. Bởi nước đá lạnh gây tác động và kích thích dây thần kinh phế vị – một phần quan trọng trong hệ thần kinh của cơ thể. Khi hệ thống thần kinh này bị ức chế, nhịp tim của bạn sẽ bị suy giảm.
“Uống quá nhiều đồ lạnh cũng có thể gây ra vấn đề “đóng băng não”, đặc biệt khi bạn uống quá nhiều nước đá hoặc ăn kem. Khi đó, nước lạnh làm mát các dây thần kinh nhạy cảm của cột sống, do đó nó ảnh hưởng đến não. Vì lý do này, nhức đầu và các vấn đề về xoang cũng có thể xảy ra”, BS Nguyễn An cảnh báo.
Một vấn đề khác cũng được BS Nguyễn An cảnh báo đó là việc uống nước lạnh khiến cho thức ăn trong ruột co lại, khả năng co bóp bị ảnh hưởng dẫn đến việc tiêu hóa của dạ dày và ruột cũng trở nên không tốt gây ra táo bón.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, nước lạnh và thậm chí đồ uống lạnh có thể làm co mạch máu của bạn, do đó hạn chế tiêu hóa. Nó cũng cản trở quá trình tự nhiên hấp thụ chất dinh dưỡng khi tiêu hóa.
Thậm chí nếu uống nước đá lạnh ngay sau bữa ăn, nhiệt độ lạnh sẽ làm đông cứng chất béo từ thực phẩm bạn vừa ăn, khiến cơ thể khó phân hủy các chất béo không mong muốn trong cơ thể.
“Cho dù chúng ta có hoạt động đến mức nào cũng rất khó để đốt cháy lượng mỡ thừa đó. Do đó, nếu bạn đang có kế hoạch giảm cân, thì hãy tránh xa nước lạnh”, BS Nguyễn An nhấn mạnh.
Đặc biệt, uống nước đá lạnh trong thời tiết oi bức của mùa hè sẽ làm tăng nguy cơ bị đau họng và nghẹt mũi (nhất là với trẻ em). Uống nước lạnh, đặc biệt là sau bữa ăn, dẫn đến hình thành các chất nhầy dư thừa (niêm mạc đường hô hấp), tạo thành lớp bảo vệ của đường hô hấp. Tuy nhiên, nó sẽ gây ra hiện tượng bỏng lạnh, khiến cổ họng bị đau rát và tổn thương.
Một lần nữa các bác sĩ cho rằng, dù uống nước đá khi nhiệt độ ngoài trời nắng nóng là thói quen khá phổ biến nhưng uống nước đá với tốc độ quá nhanh có thể khiến nhiệt độ trong cơ thể giảm đột ngột, giảm nhịp tim và gây ra các cơn đau quặn bụng hay gây co thắt thực quản.
Để tránh những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe khi uống nước lạnh trong mùa hè, BS Nguyễn An khuyến cáo, người dân không uống nước lạnh ngay khi vừa đi ngoài nắng về hoặc luyện tập thể thao cường độ mạnh, cần để cho cơ thể hạ bớt nhiệt sau đó mới uống.
“Không uống nước quá lạnh, chỉ nên uống nước mát. Với nước mát cũng không được uống nhiều cùng một lúc, cần phân chia hợp lý thời gian uống trong ngày, lượng nước uống sẽ tùy theo cân nặng, tuổi tác, bệnh lý”, BS Nguyễn An nêu.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, nước ở nhiệt độ 16 độ C có hiệu quả bù nước tốt nhất với những vận động viên điền kinh trong tình trạng mất nước. Sau khi đổ mồ hôi nhiều, bạn chỉ nên uống nước mát và uống từng ngụm nhỏ để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Đối với những người có vấn đề về họng, nhạy cảm với nước đá thì cần lưu ý chọn nước uống phù hợp trong ngày hè. Theo BS Nguyễn An, nước rất quan trọng với cơ thể và cần phải bổ sung bằng cách uống nước mùa nắng nóng đúng cách.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết