ThS-BS Nguyễn Doãn Thái Hưng – Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) – trả lời câu hỏi của bạn đọc về tình trạng chuột rút, tim đập nhanh, tức ngực trong khi ngủ.
Bạn đọc PHẠM VĂN HẢI (55 tuổi, ngụ TP HCM) hỏi: Thưa bác sĩ, gần đây tôi thường xuyên bị chuột rút trong lúc ngủ, kèm theo tim đập nhanh, đôi khi tức ngực. Xin hỏi nguyên nhân do đâu? Có phải đây là dấu hiệu tôi bị bệnh tim? Tôi có cần đến bệnh viện khám hay dùng thuốc không?
ThS-BS NGUYỄN DOÃN THÁI HƯNG trả lời: Chuột rút vào ban đêm thường gặp ở người lớn, đặc biệt là trên 50 tuổi. Các nguyên nhân thường gặp như giữ nguyên một tư thế đứng hoặc ngồi lâu trong thời gian dài, thể dục thể thao quá mức, bất thường cấu trúc giải phẫu bàn chân (bàn chân dẹt). Bên cạnh đó, đây cũng có thể là biểu hiện của tình trạng bất thường dịch và điện giải trong cơ thể hoặc triệu chứng của các bệnh lý thần kinh cơ (Parkinson), đái tháo đường, suy giáp.
Một số biện pháp giúp giảm triệu chứng có thể áp dụng tại nhà bao gồm: tập vận động nhẹ nhàng trước khi ngủ (giãn cơ hoặc đạp xe đạp trên giường); kê 1 gối mềm mỏng dưới chân khi ngủ; uống đủ nước; hạn chế rượu, cà phê; mang giày thoải mái, hạn chế giày cứng, giày cao gót; tránh tập luyện thể thao quá sức.
Nếu thường xuyên xuất hiện các triệu chứng như chuột rút gây đau dữ dội; chuột rút tại nhiều bộ phận khác trong cơ thể (bụng, lưng) nhiều lần trong đêm thì nên đi khám.
Ngoài ra, trường hợp của bạn có kèm theo nhịp tim nhanh và đau ngực nên cần đi khám sớm để tầm soát về rối loạn điện giải, rối loạn nhịp tim và các bệnh lý nội tiết.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết