Đa số nhóm trẻ 5-12 tuổi sau khi tiêm vaccine chỉ gặp những phản ứng thông thường.
Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 12 – 17 tuổi đạt nhiều hiệu quả
Mới đây, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em – Những lưu ý quan trọng, với sự tham dự của PGS.TS Dương Thị Hồng, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, PGS.TS Trần Minh Điển – giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, và PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng – giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia, bác sĩ đều đánh giá hiệu quả của chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ 12 – 17 tuổi thời gian vừa qua. Vaccine đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỉ lệ nhiễm và tử vong do COVID-19.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, đến nay số mũi tiêm phòng đã đạt tới 17 triệu cho nhóm tuổi trên, trong đó mũi 1 đạt trên 97% và mũi 2 đạt 94,6%. Số liệu này chứng tỏ kết quả tổ chức tiêm phòng rất an toàn và sự chấp thuận của phụ huynh rất cao.
PGS.TS Trần Minh Điển chỉ rõ: “Trên thực tế tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh đang diễn ra và nhóm trẻ được tiêm chủng đã đi học. Khi các cháu bị nhiễm thì tình trạng nhẹ. Chưa có trường hợp nào được tiêm phòng trong nhóm 12 – 17 tuổi phải nhập viện. Với nhóm này, chúng ta đã làm giảm tình trạng phải nhập viện, giảm tối đa được dấu hiệu chuyển nặng của bệnh”.
Còn theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, hiện TP.HCM đã tiêm phòng an toàn và đầy đủ cho nhóm 12 – 17 tuổi. Trường học mở cửa trở lại, học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 yên tâm đi học.
“Ví dụ ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tháng 7-2021, từng phải điều trị hơn 2.000 ca COVID-19, trong đó trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi là 1.100 trường hợp. Sau khi tiêm cho nhóm trẻ 12 – 18 tuổi thì từ tháng 11-2021, số nhập viện giảm hẳn.
Cụ thể tháng 11-2021, có 163 trường hợp trẻ nhập viện; tháng 12-2021 là 150 trường hợp. Đến tháng 1-2022 chỉ có 75 trường hợp. Có nhiều yếu tố dẫn đến tình hình trẻ em nặng phải nhập viện giảm nhanh, nhưng việc tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ca mắc và nhập viện”, ông Hùng nói.
Tiêm vaccine cho trẻ 5 – 12 tuổi có an toàn?
Từ những hiệu quả trong việc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 – 18 tuổi, các chuyên gia, bác sĩ khuyến khích phụ huynh thực hiện tiêm phòng cho trẻ từ 5 – 12 tuổi.
PGS.TS Dương Thị Hồng, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia chia sẻ, hiện nay hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm cho trẻ từ 5 – 11 tuổi. Một số nước đã triển khai từ tháng 11-2021. Một số mới đây đã bắt đầu tiêm cho trẻ vào tháng 2-2022. Trong số đó có nhiều quốc gia tại châu Á chấp thuận tiêm cho trẻ 5 – 11 tuổi, như Nhật Bản, Singapore, Philippines, Malaysia.
“Chúng tôi cũng đã tham khảo số lượng vaccine sử dụng trên thế giới hiện nay. Đã có 80 triệu liều của Đơn vị Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các nước.
Đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau. Khi tiêm cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi, Việt Nam sẽ sử dụng vaccine do Đơn vị Pfizer/BioNTech sản xuất, hàm lượng kháng nguyên chỉ bằng 1/3 hàm lượng của người trưởng thành. Chúng tôi sẽ tập huấn kỹ phương thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ”, PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Nói về những phản ứng trẻ có thể gặp phải sau khi tiêm, bà Hồng khẳng định phần lớn trẻ chỉ gặp các phản ứng thông thường. Một vài trường hợp có phản ứng bất thường nhưng tỷ lệ rất nhỏ.
1. Đối với vaccine Pfizer
Các phản ứng rất thường gặp khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi là: Đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm (> 80%), kiệt sức (> 50%), đau đầu (> 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%), đau cơ và ớn lạnh (> 10%). “Phản ứng này cũng gây ra với đối tượng trẻ từ 12-17 tuổi khi tiêm vắc xin phòng COVID-19”- bà Hồng nói;
Các phản ứng rất thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 – dưới 12 tuổi là: buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm;
Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm;
2. Đối với vaccine Moderna
Các phản ứng rất thường gặp là: Sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp,đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.
Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 – dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp;
Phản ứng thường gặp là : Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm;
Phản ứng ít gặp là: Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm;
Phản ứng hiếm gặp là: Giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da;
Phản ứng rất hiếm gặp là: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
Nhiều phụ huynh lo sợ việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ tác động lâu dài đến sinh sản, di truyền hay các phản ứng lâu dài. PGS.TS Trần Minh Điển khẳng định vaccine COVID-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ.
Ông Điển lý giải: Bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, kết hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người.
Lifehub tổng hợp