Từ việc phát hiện sai số trong dữ liệu đăng kiểm của một chiếc xe tải, cơ quan Công an đã truy vết và vạch trần thủ đoạn trục lợi từ các trung tâm đăng kiểm.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng – Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đến nay Công an TP HCM đã ra lệnh khám xét 12 trung tâm kiểm định, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can về các tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.
Từ chiếc ô tô tải sai số kỹ thuật
Ngày 26/10/2022, phát hiện chiếc xe BKS 50H-100.20 có dấu hiệu cơi nới thành thùng, tổ công tác CSGT TP HCM đã chặn dừng phương tiện và kiểm tra. Qua kết quả đo thành thùng phương tiện thực tế và đối chiếu với giấy kiểm định, phương tiện này khớp với thông số kỹ thuật trên giấy kiểm định do Trung tâm kiểm định 62-03D cấp.
Tuy nhiên, khi “check” chéo lại dữ liệu đăng kiểm gốc của Cục Đăng kiểm lưu, CSGT phát hiện có sự sai số.
Cụ thể, kết quả đo thùng xe 6.300 x 2.300 x 1.600, còn dữ liệu Cục Đăng kiểm lưu trữ là 6.000 x 2.300 x 920. Như vậy, thùng xe đã được hợp pháp hóa cơi nới.
Lúc này, tổ công tác tiến hành lấy lời khai tài xế, chủ xe và phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu sai phạm. Sau đó, CSGT phát hiện một chiếc xe tải khác BKS 51D-325.89 cũng thay đổi thông số kỹ thuật. Kết quả xác minh ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện xe này cũng thay đổi như xe 50H-100.20.
Cơ quan điều tra xác định nhiều phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật (xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước; lốp mòn; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải…), nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Đường dây với “mắt xích” tinh vi
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ 9 trung tâm sai phạm gồm: 62-03D (tỉnh Long An); 71-02D (tỉnh Bến Tre); 83-02D (tỉnh Sóc Trăng); 66-02D (tỉnh Đồng Tháp); 63-03D (tỉnh Tiền Giang) do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc, Trung tâm Đăng kiểm 50-15D (thành phố Thủ Đức) do Nguyễn Trọng Vĩnh làm giám đốc, Trung tâm đăng kiểm 50-07V (quận Bình Tân) do Ngô Ngọc Sơn làm giám đốc, Trung tâm đăng kiểm 50-10D (huyện Củ Chi) do Nguyễn Thanh Tâm là giám đốc, Trung tâm đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè) do Hồ Hữu Tài làm giám đốc. Ngoài ra, ngày 28/12, Công an TP HCM chủ trì, phối hợp Công an Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp phòng kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo điều tra ban đầu, để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động, giám đốc các trung tâm đăng kiểm nêu trên đã chỉ đạo nhân viên trung tâm (gồm phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng…) trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của các chủ phương tiện và do “cò mồi” đưa đến nhằm thu lợi bất chính với số tiền ước tính gần 10 tỷ đồng.
Giả mạo đăng kiểm viên
Theo điều tra của cơ quan Công an, đứng sau loạt trung tâm đăng kiểm tư nhân sai phạm có liên quan đến “ông trùm” Trần Lập Nghĩa (47 tuổi, quê Sóc Trăng).
Trần Lập Nghĩa làm giám đốc 5 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. “Ông trùm” này xuất thân làm việc tại trung tâm đăng kiểm Nhà nước, sau khi rành rẽ thì thành lập, đứng sau điều hành một loạt trung tâm đăng kiểm tư nhân.
Đáng chú ý, tại các trung tâm đăng kiểm do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc, Công an TP HCM phát hiện nhóm hành vi giả mạo trong công tác với thủ đoạn lập danh sách đăng kiểm viên, nhưng không làm việc tại trung tâm để hợp thức hóa quy định và chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Qua đó, trung tâm này đã cấp khoảng 52.000 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các ô tô đến đăng kiểm trái với quy định thu lợi ước tính trên 10 tỷ đồng.
Giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ
Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 3/1, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, xác nhận nhiều tuần qua, Công an TP HCM cùng một số Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ sai phạm, tiêu cực trong cấp giấy chứng nhận, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại một số trung tâm kiểm định phương tiện giao thông cơ giới.
“Các trung tâm này nằm trên địa bàn TP HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Giang, Bắc Ninh và sẽ còn thêm nữa”, ông Xô nói và tiết lộ trong số những bị can có một giám đốc trung tâm kiểm định khi công an bắt viết lời khai thì mới lộ ra việc không biết viết, không biết đọc. Người này khai 50 năm trước chỉ học đến lớp 3, nhưng đến nay trở thành Giám đốc Trung tâm Kiểm định 50-17D ở huyện Nhà Bè, TP HCM.
“Đây là những hành vi lần đầu tiên công bố, thủ đoạn rất liều lĩnh”, ông Xô nhấn mạnh.
“Virus” Việt Á trong ngành kiểm định
Nói rõ hơn về thủ đoạn của các trung tâm đăng kiểm, trung tướng Tô Ân Xô cho biết, các trung tâm này bỏ qua nhiều sai phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng thay thế – là các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn.
“Ví dụ, xe vào kiểm định lốp mòn quá thì thay lốp, thay thành thùng và một số phụ tùng khác, chỉ cần nộp tiền vào làm là xong, khi ra là đảm bảo tiêu chuẩn; hoặc sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải”, ông Xô thông tin.
Các trung tâm kiểm định này đã cấp 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn còn có thủ đoạn lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa quy định của Chính phủ về kiểm định xe cơ giới.
Ông lấy ví dụ quy định phải có 3 kiểm định viên, phải có một kiểm định viên bậc cao, nhưng trung tâm không có nên lập ảo.
Theo Chánh văn phòng Bộ Công an, những hành vi trên ảnh hưởng xấu đến việc giám sát chất lượng, số lượng phương tiện an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, xâm phạm hoạt động của cơ quan nhà nước, xâm phạm trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu trong xã hội và gây nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển và người dân.
“Những hành vi trên được coi là “virus Việt Á” trong lĩnh vực kiểm định giao thông. Bộ Công an đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn “virus” này trên phạm vi toàn quốc”, tướng Tô Ân Xô khẳng định số lượng bị can trong vụ án này có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết