Theo các nhà khoa học, cách đây 300 nghìn năm khi người Homo sapiens bắt đầu xuất hiện, tổng dân số trên thế giới chỉ từ 100 đến 10 nghìn người.
Hiện nay, Trái đất của chúng ta có gần 8 tỷ người. Câu hỏi đặt ra là Hành tinh xanh có thể chịu đựng dân số là bao nhiêu?
Theo nhà khoa học Joel E. Cohen, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Dân số tại ĐH Rockefeller và ĐH Columbia ở thành phố New York, Mỹ, từ khi loài người xuất hiện, phải mất khoảng 35 nghìn năm dân số Trái đất mới tăng gấp đôi.
Sau khi nền nông nghiệp ra đời, từ 15 đến 10 nghìn năm trước – thời điểm có từ 1 triệu đến 10 triệu cá thể trên Trái đất, phải mất 1.500 năm để dân số loài người tăng gấp đôi. Đến thế kỷ 16, thời gian để dân số tăng gấp đôi giảm xuống còn 300 năm. Và đến đầu thế kỷ 19, chỉ còn mất 130 năm.
Từ năm 1930 đến năm 1974, dân số Trái đất tăng gấp đôi một lần nữa, chỉ trong 44 năm. Nhưng liệu dân số loài người có tiếp tục tăng với tốc độ này không? Và có giới hạn nào cho số lượng con người mà hành tinh của chúng ta có thể chịu đựng hay không?
Vào năm 1679, nhà khoa học Antoni van Leeuwenhoek, người phát minh ra kính hiển vi, dự đoán Trái đất có thể chứa được 13,4 tỷ người. Ông tính toán rằng, Hà Lan chiếm 1 phần trong 13.400 đất đai có thể sinh sống trên hành tinh của chúng ta, do đó lấy dân số 1 triệu người của Hà Lan nhân với 13.400. Còn Cohen, sau hơn 40 năm đã thu thập được 65 bản ước tính khả năng chịu đựng của Trái đất, từ 1 tỷ đến hơn 1 nghìn tỷ người.
Các kỹ sư ban đầu thường sử dụng thuật ngữ “khả năng chịu đựng” để mô tả lượng hàng hóa mà một con tàu có thể chứa. Vào thế kỷ 19, các chuyên gia về động vật hoang dã đã sử dụng thuật ngữ này trong quản lý bầy đàn, trước khi các nhà khoa học áp dụng khái niệm trên vào sinh thái học để mô tả quần thể tối đa của một loài mà một môi trường sống có thể hỗ trợ.
Theo Cohen, trong một môi trường sống, một quần thể sẽ vẫn ổn định, nếu tỷ lệ sinh và tử bằng nhau. Nhưng những thay đổi về môi trường, chẳng hạn như ô nhiễm hoặc bệnh tật, có thể làm tăng hoặc giảm khả năng chịu đựng của môi trường sống.
Cohen giải thích, khi nói đến dân số, “khả năng chịu đựng” phụ thuộc vào những ràng buộc tự nhiên và sự lựa chọn của con người”. Ví dụ, những hạn chế về tự nhiên bao gồm khan hiếm lương thực và sự khắc nghiệt của môi trường.
Các lựa chọn của con người bao gồm các mối tương tác giữa kinh tế và văn hóa, chẳng hạn như cách chúng ta sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, cũng như tỷ lệ sinh, tuổi thọ trung bình và di cư.
Theo Max Roser, Giám đốc Chương trình Oxford Martin về Phát triển Toàn cầu ở Vương quốc Anh, các quốc gia có thu nhập cao, nơi phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục và kế hoạch hóa gia đình, thường có tỷ lệ sinh thấp hơn và quy mô gia đình nhỏ hơn so với các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Nói cách khác, có thể có giới hạn về số lượng người mà Trái đất hỗ trợ, nhưng chúng ta không biết chính xác con số đó là bao nhiêu. Nó thay đổi dựa trên cách chúng ta sản xuất, tiêu thụ và quản lý tài nguyên của mình.
“Tương lai dân số thế giới được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa sinh tồn và sinh sản” – Patrick Gerland thuộc Bộ phận Dân số Liên Hợp Quốc, nói với Live Science – “Nếu thế giới có tỷ lệ bình quân hai con trên một cặp vợ chồng thì chúng ta có thể tiếp tục duy trì quy mô dân số ổn định hoặc ít hơn. Khi đạt con số nhỏ hơn hai từ thế hệ này sang thế hệ khác, dân số sẽ co lại hoặc suy giảm. Nếu trên mức đó và tuổi thọ cao thì dân số sẽ tăng lên”.
Nhiều quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới thường có tỷ lệ sinh cao và quy mô gia đình lớn, nhưng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng cao và tuổi thọ thấp.
Tuy nhiên, ông Gerland cho rằng “tại nhiều quốc gia đã đạt đến giai đoạn phát triển văn hóa kinh tế – xã hội nhất định, mỗi cặp vợ chồng chỉ hai con hoặc ít hơn”. Điều này có nghĩa là chăm sóc y tế tốt giúp tăng tuổi thọ, đồng nghĩa với gia tăng dân số. Xu hướng này cũng xảy ra ở các quốc gia có tỷ lệ sinh giảm.
Tăng trưởng dân số toàn cầu đạt đỉnh vào những năm 1960 và đã chậm lại kể từ đó. Năm 1950, tỷ lệ sinh trung bình là 5,05 trẻ em trên một phụ nữ, theo Bộ phận Dân số của Liên Hợp Quốc.
Vào năm 2020, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 2,44 trẻ em trên một phụ nữ. “Hiện nay, sự đồng thuận của giới khoa học là dân số thế giới sẽ đạt đỉnh vào cuối thế kỷ này”, như Gerland giải thích.
Dân số thế giới được dự đoán sẽ đạt 10,4 tỷ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100. Nhưng vị chuyên gia của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng, các nhà nhân khẩu học càng nhìn vào tương lai thì các dự đoán, dự báo của họ càng trở nên không chắc chắn.
Số người mà Trái đất có thể hỗ trợ không phải là một con số cố định. Cách con người sản xuất và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến cách môi trường của chúng ta có thể duy trì các quần thể trong tương lai. Theo Gerland, khi nói đến khả năng chịu đựng, đó là vấn đề của phương thức sản xuất, phương thức tiêu dùng, ai có quyền tiếp cận cái gì và bằng cách nào.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceeding of the National Academy of Sciences cho thấy, nếu dân số Hoa Kỳ chuyển sang chế độ ăn chay, vùng đất thay vì được sử dụng để trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất thịt, sẽ được canh tác và nuôi sống thêm 350 triệu người.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết