Mới đây, vụ việc chú mèo bị hành hạ đến thương nặng đang gây xôn xao dư luận. Và một lần nữa, câu nói cửa miệng của nhiều phụ huynh: “Con nít có biết gì đâu” tiếp tục bị dân mạng đưa ra mổ xẻ.
Mới đây, thông tin chú mèo nghi bị những đứa trẻ hành hạ đến hấp hối, sau đó giấu xác đã gây xôn xao dư luận. Theo chủ nhân của chú mèo, sau khi cô tìm đến gia đình đứa trẻ để nói chuyện thì nhận được nhiều phản hồi thờ ơ từ phụ huynh như: “Con nít có biết gì đâu”, “Có con mèo cũng làm um sùm lên”, “Có con mèo thôi làm quá”…
Sau khi câu chuyện này được đăng tải đã dấy lên nhiều tranh cãi về hành vi của những đứa trẻ và cách giáo dục con từ gia đình.
Sau 10 giờ đăng tải, bài đăng của chủ nhân chú mèo đã nhận đến hơn 160 ngàn lượt react, 44 ngàn lượt chia sẻ… cho thấy mức độ quan tâm lớn của dân tình về vụ việc
Dân tình tranh cãi về câu chuyện: Hành động của đứa trẻ quá tàn nhẫn!
Dù chưa rõ thực hư ra sao, thế nhưng nhiều người đã bày tỏ bức xúc với hành động của đứa trẻ với chú mèo. Đồng thời, họ cũng phẫn nộ trước cách giáo dục con của phụ huynh, cho rằng sự dung túng trước hành vi sai lầm của con có thể làm hỏng đứa trẻ sau này.
Cô Bùi Thị H. (giáo viên một trường Tiểu học ở Hà Nội) bày tỏ quan điểm về câu chuyện: “Tôi không đồng tình với hành vi này của đứa trẻ và phụ huynh cháu bé. Tôi là giáo viên, nên cho rằng bản thân có thể hiểu được phần nào sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ bây giờ.
Đầu tiên, ai cũng nhận thấy hành động làm hại chú méo của đứa trẻ có phần tàn nhẫn, không phù hợp với độ tuổi của cháu. Tuy nhiên, điều tôi quan ngại hơn là sự thờ ơ, dung túng của phụ huynh. Trong trường hợp này, tôi chỉ lo cháu không nhận ra được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, khi trưởng thành khó biết cảm thông với người khác”.
Dạo một vòng trên mạng xã hội, nhiều tài khoản nhận định họ khó chấp nhận được hành vi của đứa trẻ hại mèo và phụ huynh của cháu bé.
Bạn Cẩm Lan bức xúc: “Đối với họ, nó là một con mèo nhưng đối với mình nó là một thành viên trong gia đình, như ruột thịt. Ai từng nuôi mèo mới có thể hiểu được. Trường hợp này mình từ chối cảm thông với đứa trẻ và phụ huynh của cháu”.
Trong khi đó, một cô nàng có tên Minh Lan nhận định: “Là một người lớn, đến mình còn không xem được hết clip vì thấy cháu bé hành hạ chú mèo quá đáng sợ. Vậy mà những đứa trẻ có thể làm ra hành vi đó ở độ tuổi nhỏ như thế. Tệ hơn là chỉ sợ động thái dung túng của phụ huynh có thể làm các cháu hư càng thêm hư. Các cháu sẽ khó trưởng thành nếu cứ sống trong vỏ bọc an toàn này của gia đình”.
“Đứa trẻ sai một thì phụ huynh sai mười. Trẻ nhỏ có thể biện minh hành động này là do còn ít tuổi. Nhưng người lớn, đã trưởng thành lại không thể ý thức mức độ nghiêm trọng của vấn đề hay sao?”, Danh Lộc nêu quan điểm tương tự.
Từ câu “con nít có biết gì đâu”, có nạn nhân bị hỏng Macbook, có người phải đưa thú cưng nhập viện
“Con nít có biết gì đâu” là câu cửa miệng của nhiều bậc phụ huynh khi con cháu họ làm sai một điều gì đó đối với người khác. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận trên mạng xoay quanh câu nói này bởi dân tình cho rằng mỗi khi trẻ em làm gì sai, cha mẹ lại dùng chúng ra để chống chế, phủi bỏ trách nhiệm. Câu cửa miệng của các bậc cha mẹ như một sự ngầm đồng ý, thừa nhận để những lỗi sai không ngừng lặp lại và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ngọc Minh (19 tuổi, Hà Nội) cho hay chú mèo nhà cô cũng từng bị thương vì trò trêu chọc của những đứa trẻ: “Có một đứa cháu bị mình mắng. Con bé lấy bút bi, đá chọi vào đầu em mèo mình nuôi. Thời điểm ấy bé mèo đang ốm yếu, bị ném đá vài lần là đầu chảy máu, kêu đau cả tuần liền. Mình phải dành một ngày để đưa bé vào viện kiểm tra.
Tức giận hơn là lúc mình sang tìm đứa cháu để nói chuyện phải trái, mình liền bị mẹ bé nói ‘chuyện bé xé ra to’, ‘vì một con mèo mà làm um sùm cả lên’. Từ đó, mình quyết định không giao tiếp nhiều với người họ hàng và đứa cháu đó luôn”.
“‘Con nít có biết gì đâu’ là câu nói khiến mình sợ nhất” – Lan Anh (21 tuổi) cho hay khi chia sẻ tình huống trớ trêu bị những người cháu làm hỏng đồ đạc trong phòng khi cô nàng đi ra ngoài.
Lan Anh nhớ lại: “Thời điểm ấy là mùng 2 Tết. Mình đi ra ngoài gặp bạn bè, vừa về đến nhà thì phát hiện phòng có dấu hiệu bị lục tung lên. Lúc kiểm tra kỹ thì phát hiện màn hình Macbook bị hỏng, 6 cây son bị dùng làm bút màu, không thể sử dụng được nữa.
Đến khi trình bày vấn đề với người họ hàng – cũng là mẹ đứa trẻ nghịch ngợm, mình nhận được lời giải thích ‘Trẻ nhỏ có biết gì đâu’. Không chỉ bao che hành động của con, gia đình họ cũng nói khéo với gia đình mình để chỉ đền bù một nửa số tiền. Sau cùng, mình không nhận được lời xin lỗi nào từ con trai họ”.
Liên quan đến vụ việc đang gây tranh cãi trên mạng xã hội, một cô gái N.N tâm sự: “Mình chưa từng bị trẻ nhỏ phá hỏng đồ, nhưng nhớ mãi những lần bị chúng trêu chọc. Có thời điểm mình bị bệnh tâm lý, rụng tóc, tăng cân khá nhiều. Vào dịp Tết Nguyên đán, những đứa cháu đến nhà chơi, chúng liên tục chê bai ngoại hình, còn gọi mình với loạt biệt danh khó nghe.
Đến lúc mình tỏ vẻ tức giận thì lại bị chê trách là chấp nhặt với trẻ con. Dù trẻ con có làm gì quá đáng sẽ được dễ dàng tha thứ bởi câu nói quen thuộc ‘Con nít có biết gì đâu'”.
Đã đến lúc ngừng lạm dụng câu nói “Con nít có biết gì đâu”
Trẻ con vốn là sinh linh bé nhỏ, ý thức chưa cao nên khó tránh khỏi đôi khi làm người lớn phiền lòng. Thế nhưng, nếu hành động làm tổn hại đến tài sản, hoặc nặng hơn là sinh mạng vật nuôi của người khác, thì rõ ràng trong trường hợp này, phụ huynh phải nghiêm khắc hơn, chứ không thể dừng ở câu nói xuề xoà cho qua chuyện.
“Trẻ con không biết gì” – đúng, nhưng chính vì không biết nên cha mẹ phải là người giáo dục để bọn trẻ “biết” và “hiểu” từng hành động mình làm, tránh gây nên tai nạn không đáng có. Nếu không để trẻ thấy những lỗi sai của mình, dần dà sẽ tạo nên tính xấu khó thay đổi. Bởi suy cho cùng, đằng sau một đứa trẻ vô ý thức là những bậc phụ huynh thiếu trách nhiệm.
Muốn con cư xử văn minh ở nơi công cộng, trước hết phụ huynh phải thể hiện mình là người có văn hoá trước mọi người. Bởi lẽ trẻ con như tờ giấy trắng, chúng dễ dàng bắt chước hành động của người lớn.
Quan trọng hơn cả, cha mẹ nên nhìn thẳng vào lỗi lầm của con, dạy con biết cách kiểm soát để tránh những hậu quả xấu, thay vì đòi hỏi người khác một sự thông cảm vô cùng phi lý và không hề cố gắng khắc phục. Nếu gây ra sai lầm, con cần dũng cảm đứng lên chịu trách nhiệm, thay vì che chắn con trong những vỏ bọc ẩn đằng sau lời nói như “Con nít có biết gì đâu”, “Có thể thôi cũng trách cứ một đứa trẻ”…
Chính cha mẹ cũng cần tôn trọng người khác, phải nhắc nhở và ngăn chặn hành vi sai của con mình kịp thời, và quan trọng nhất hãy dạy con một cách nghiêm khắc rằng cái gì là của bé, cái gì không là của bé, và những nơi nào phải im lặng để tôn trọng không gian của người khác.
Cách đây không lâu, câu chuyện về một cô gái phải tự bỏ 8-9 triệu tiền sửa Macbook do bị trẻ nhỏ đổ cafe vào máy đã gây xôn xao dư luận một thời gian
Dưới đây là một số phương pháp để răn dạy con hành xử văn minh nơi công cộng mà cha mẹ nên tham khảo:
– Dạy con phải giữ yên lặng, tôn trọng đồ đạc cá nhân của người khác.
– Khi con có biểu hiện không ngoan, cha mẹ nên dùng biện pháp nghiêm khắc, răn dạy kín đáp để con nhớ. Không nên thoả hiệp khi đứa trẻ rơi nước mắt. Tuy nhiên, cũng không nên quá gay gắt sẽ khiến con xấu hổ và sợ hãi.
– Dạy trẻ phải có trách nhiệm trước mọi hành động sai lầm gây ra. Nếu con sai, con cần biết nói lời xin lỗi.
– Chuẩn bị đồ chơi cho con trước khi ra ngoài để chúng không cảm thấy nhàm chán khi bố mẹ ngồi nói chuyện hoặc ăn uống với người khác.
– Dạy con tự lập, biết chăm sóc bản thân ở nơi công cộng, tránh làm phiền người xung quanh.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết