“Hãy giới thiệu một chút về bản thân bạn” thường là câu hỏi đầu tiên mà các nhà tuyển dụng đặt ra cho bạn trong mỗi cuộc phỏng vấn. Thoạt nghe, câu hỏi có vẻ đơn giản, nhưng để đưa ra câu trả lời hay và ấn tượng lại không hề dễ dàng.
Trong mỗi chúng ta, để có công việc như ngày hôm nay, ít nhất cũng từng trải qua một lần đi tìm việc làm và phỏng vấn xin việc, dù cuộc nói chuyện đó ngắn hay dài. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể phỏng vấn “một đúp ăn ngay”, thậm chí có người phỏng vấn ở 2, 3 công ty cùng một lúc nhưng vẫn không được tuyển, vậy lý do tại sao?
Bên cạnh câu trả lời là yêu cầu về chuyên môn, thì chắc chắn cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn là yếu tố quan trọng không kém. Vậy làm thế nào để lời giới thiệu về bản thân gây ấn tượng nhất với nhà tuyển dụng?
Tâm trí của bạn có thể có vô số cân nhắc như: Tôi nên kể câu chuyện về cuộc đời mình hay nói về lịch sử làm việc? Tôi có nên chia sẻ về niềm đam mê và bộ phim yêu thích? Tôi có nên nói về sếp cũ hoặc công việc gần đây nhất… Vậy đâu là điều bạn cần quan tâm?
Là CEO của công ty tìm kiếm điều hành lớn nhất thế giới, Gary Burnison đã thực hiện hàng ngàn cuộc phỏng vấn trong 20 năm qua. Ông chia sẻ rằng: “Câu trả lời hay nhất và đáng nhớ nhất mà tôi từng nhận được cho câu hỏi đó là: Tôi đã chinh phục những ngọn núi cao nhất trên mọi lục địa, bao gồm cả Everest”.
Nếu ai đó không ấn tượng về người đã chinh phục bảy đỉnh núi cao nhất, có thể tiêu chuẩn của họ cao đến mức cực đoan. Nhưng thực tế là ứng viên này đạt được thành tích ấn tượng không chỉ bởi sự nổi bật so với tất cả những người còn lại.
Theo CEO Korn Ferry, các ứng viên thường đưa cho nhà tuyển dụng sơ yếu lý lịch của họ khi nhận được câu hỏi “hãy giới thiệu về bản thân mình”, nhưng tờ giấy này không phải điều mà những người ngồi ở vị trí của Burnison mong đợi.
Ông Burnison cho biết: “Ứng viên mà tôi thấy ấn tượng đã chia sẻ những điều cho biết cô ấy thực sự là ai, ngoài một tờ giấy. Đó là một người thích phiêu lưu, tò mò, hướng đến mục tiêu và kỷ luật. Quan trọng hơn, cô ấy có khả năng áp dụng những bài học kinh nghiệm trong quá khứ cho những thử thách mới”.
Nhưng đó không phải là tất cả. Câu hỏi thứ hai mà nhà tuyển dụng này đưa ra với ứng viên là “Cô cảm thấy thế nào khi chinh phục được đỉnh Everest?”. Ứng viên này không nói gì về triết học hay nói về cách cô ấy làm điều gì đó. Thay vào đấy, cô cười và nói: “Lúc đó tôi suy nghĩ làm thế nào để có thể xuống được”.
Câu trả lời này cho thấy khả năng thu hút người khác bằng sự hài hước và khiêm tốn. Lúc này, ông nhận thấy rằng nữ ứng viên là người có trình độ cao mà bất cứ ai cũng muốn có trong nhóm. Điều đặc biệt là việc nhận ra ưu điểm của cô gái chỉ thông qua một câu hỏi nhỏ kéo dài chưa đầy một phút.
Do đó, hãy luôn nhớ rằng: “Bạn không cần phải là một vận động viên leo núi đẳng cấp thế giới để nổi bật trong một cuộc phỏng vấn xin việc, hãy chính là bản thân mình”.
Cách trả lời sai
Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này và chỉ cần hỏi lại “Anh/ chị muốn biết điều gì về tôi?”, bạn đã hoàn toàn mất điểm. Điều này thể hiện rằng bạn đã không chuẩn bị kỹ cho buổi phỏng vấn và thiếu sự nghiêm túc cho công việc. Bạn phải phát triển câu trả lời tốt và diễn đạt một cách đĩnh đạc và tự tin.
Cách trả lời đúng
1. Hãy mạo hiểm
Hầu hết mọi người đều háo hức kể về những thành tựu mà họ đạt được, công việc mà họ tham gia. Tuy nhiên, bạn không cần vội vã vì sẽ có thời gian cho điều đó. Người phỏng vấn đã xem xét hồ sơ của bạn và sẽ hỏi bạn rất nhiều về chuyên môn.
Vì thế, câu hỏi “hãy nói cho tôi biết về bản thân bạn” là lời mời để ứng viên chia sẻ một kinh nghiệm hoặc một số thông tin cá nhân ngắn gọn. Điều này cho phép nhà tuyển dụng biết thêm về cuộc sống của bạn ngoài công việc.
2. Không nói nhàm chán
Mọi người đều có những điều thú vị để chia sẻ về bản thân. CEO Korn Ferry nói: “Tôi đã nghe những ứng viên nói về tất cả mọi thứ, từ việc trở thành một đầu bếp sushi đẳng cấp thế giới đến một thợ điêu khắc trên băng”.
Điều này là một chi tiết quan trọng để nhà tuyển dụng có ấn tượng với bạn. Nếu thông tin thể hiện một khía cạnh độc đáo hoặc có thể liên kết chúng với những gì bạn có thể mang lại cho công việc, hãy đặc biệt chú ý đến những chi tiết như vậy
3. Thể hiện mục đích và đam mê
Một cách diễn giải khác về vấn đề này là: Điều gì khiến bạn thức dậy mỗi sáng? Những người tuyển dụng cũng muốn biết về đam mê và mục đích của bạn là gì.
Chẳng hạn, một công việc tình nguyện tại Nam Mỹ có thể cho thấy bạn có tầm nhìn toàn cầu. Trả lời cho câu hỏi này không phải là vấn đề thành công lớn hay nhỏ, miễn là điều đó cho thấy bạn đang phấn đấu để cải thiện bản thân.
4. Tính trung thực
Điều này là một trong những yếu tố quan trọng nhất bạn có thể làm trong một cuộc phỏng vấn xin việc. Hãy thư giãn, hãy là chính mình và nói sự thật. Đừng tiếp cận cuộc phỏng vấn giống như cách bạn đang thử giọng cho sân khấu Broadway.
Ngoài ra, nếu bạn thổi phồng những gì đã làm hoặc tự nghĩ ra một câu chuyện về bản thân, bạn có thể bị lộ tẩy. Nếu điều đó xảy ra, mọi điều bạn nói về bản thân mình trước đó sẽ bị nghi ngờ.
5. Tập trung vào những điều thu hút nhà tuyển dụng
Theo Jane Cranston, chuyên viên tuyển dụng từ New York, “Sai lầm lớn nhất của ứng viên là nghĩ rằng người phỏng vấn thực sự muốn biết về toàn bộ cuộc đời họ”.
Họ bắt đầu thuyết trình lại sơ yếu lý lịch: “Tôi được sinh ra tại Hoboken, và khi tôi đã được ba tuổi, chúng tôi chuyển đến…”.
Đây là câu trả lời khiến bạn mất điểm hoàn toàn. Người phỏng vấn muốn biết rằng bạn có thể làm công việc đó không, bạn có làm việc nhóm được không, những gì bạn đã đạt được ở các vị trí trước của bạn và bạn có thể giúp công ty như thế nào.
Nancy Fox của Hiệp hội tuyển dụng Fox, cũng đồng tình với điều này. Bà lưu ý rằng “nhiều ứng viên, không chuẩn bị cho câu hỏi, làm mất điểm vì các câu trả lời lan man về câu chuyện cuộc sống của họ, đào sâu vào quá trình làm việc xa xưa hoặc các vấn đề cá nhân”.
Bà khuyên nên bắt đầu với việc làm gần đây nhất của bạn và giải thích lý do tại sao bạn đủ điều kiện cho vị trí này. Theo Fox, chìa khóa để tất cả các phỏng vấn thành công là kết nối trình độ của bạn với những gì người phỏng vấn tìm kiếm.
“Nói cách khác, bạn đang bán những thứ mà nhà tuyển dụng muốn mua”.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết