Các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga đã gây ra tổn thất lớn cho tất cả các bên. Tuy nhiên, cuộc chiến kinh tế đơn thuần đó không thể chấm dứt được xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Ngày 7/12, Ủy ban châu Âu áp một gói trừng phạt mới để ép Nga chấm dứt hoạt động quân sự của họ tại Ukraine. Cái giá mà châu Âu phải trả sau khi áp các lệnh trừng phạt lên Nga đang tăng lên. Châu Âu đang phải hứng chịu tình trạng thiếu điện, thiếu ánh sáng và và thiếu nhiệt sưởi ấm cũng như các đợt gián đoạn dịch vụ internet và điện thoại trong bối cảnh nhiệt độ môi trường giảm xuống vào mùa đông và quan hệ thương mại với Nga đã bị cắt đứt. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục chiến sự tại Ukraine .
Chính bản chất tập thể của các lệnh trừng phạt của EU đã làm giảm hiệu quả của các lệnh trừng phạt này. Nhiều hãng phương Tây tranh thủ gia tăng thương mại với Nga trước khi các lệnh trừng phạt được thực thi. Nga cũng có thêm thời gian chuẩn bị để thích ứng với các lệnh trừng phạt trong tương lai.
Chiến sự tại Ukraine không thể chấm dứt thông qua các biện pháp kinh tế thuần túy, nhất là khi Ấn Độ và Trung Quốc, cùng với một số nước nhỏ hơn, không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Điểm yếu của trừng phạt tập thể
Mỗi quốc gia phương Tây muốn có các lệnh trừng phạt tạo ra tổn thất lớn cho Nga nhưng lại phải gây tổn hại thấp nhất cho chính mình. Chính vì vậy, Bỉ tiếp tục nhập khẩu kim cương của Nga. Pháp, Hungary, Slovakia và Phần Lan tiếp tục nhập nhiên liệu hạt nhân của Nga. Còn Hy Lạp tiếp tục bảo vệ quyền được vận tải dầu mỏ của Nga.
Ngay cả lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với việc nhập dầu mỏ của Nga cũng không thực sự là một lệnh cấm đối với tất cả dầu mỏ Nga. Lệnh này chỉ cấm nhập dầu mỏ Nga theo đường biển, tức là dầu mỏ được vận chuyển bằng các tàu thủy chở dầu. Các nước nhập cùng thứ dầu đó nhưng bằng đường ống dẫn dầu, như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc, thì tiếp tục được phép làm vậy. Đức và Ba Lan, dựa trên thỏa thuận trừng phạt hiện hành, cũng được phép tiếp tục nhập dầu qua đường ống dẫn.
Việc tạo ra các nhượng bộ cho một số quốc gia là cần thiết để toàn khối đạt được một thỏa thuận trừng phạt tập thể. Tuy nhiên, các nhượng bộ này lại khuyến khích các hãng phá hoại tác dụng của lệnh trừng phạt.
Mặc dù EU bỏ phiếu cấm nhập dầu Nga vào ngày 3/6, chính sách này phải mãi đến ngày 5/12 mới có hiệu lực. Khoảng thời gian đó cho phép các hãng của châu Âu tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế Nga. Nhưng đồng thời Nga cũng có thời gian để tìm kiếm các khách hàng thay thế để nhập dầu của họ.
Trong lúc tìm nhà cung cấp dầu mới, các hãng châu Âu đã tranh thủ mua thêm thật nhiều dầu của Nga (trước lúc lệnh cấm có hiệu lực). Như vậy, về ngắn hạn, thương mại dầu mỏ giữa EU và Nga lại tăng. Mục đích trừng phạt là để khiến Nga không thu lợi từ xuất khẩu dầu mỏ nhưng tác dụng trên thực tế của lệnh trừng phạt lại là ngược lại.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây còn hướng tới mục tiêu răn đe các nước khác, rằng hậu quả nếu làm như Nga sẽ là thế này và thế này…
Tuy nhiên, trên thực tế, những gì phương Tây làm với Nga lại cung cấp các hướng dẫn về cách thức bảo vệ nền kinh tế khi bị phương Tây trừng phạt. Chính bản thân Nga đã đúc rút được bài học này sau khi bị phương Tây trừng phạt vào năm 2014 vì sáp nhập Crimea. Do vậy, trước khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2/2022, Nga đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng phó với trừng phạt kinh tế từ phía phương Tây, và chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống bị trừng phạt.
Nếu niềm tin vào các thể chế cốt lõi của trật tự thế giới bị phá hoại, các quốc gia sẽ thực hiện các biện pháp để tự vệ và hệ thống kinh tế quốc tế đang tồn tại sẽ không thể mang lại các lợi ích đầy đủ như trước nữa.
Chẳng hạn, nỗ lực của phương Tây, đứng đầu là Mỹ, nhằm loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT đã dẫn tới việc Nga và Trung Quốc hợp tác để phát triển một hệ thống thay thế SWIFT.
Phương Tây không thể làm mạnh hơn
Ý đồ của phương Tây là từ chỗ làm suy yếu Nga về kinh tế, sẽ khiến Nga cũng suy yếu về quân sự và phải ngưng tác chiến ở Ukraine.
Nếu phương Tây đẩy lệnh trừng phạt kinh tế lên ngưỡng cao hơn nữa, tới mức cô lập hoàn toàn kinh tế Nga, rất nhiều vấn đề sẽ nảy sinh. Thứ nhất, phương Tây phải cắt đứt hoàn toàn thương mại song phương với Nga và thuyết phục được các nước khác cùng chấp nhận thiệt hại kinh tế khi ngừng buôn bán với nước Nga. Thứ hai, chiến tranh hạt nhân sẽ có nguy cơ nổ ra, khi nền kinh tế Nga bị dồn vào đường cùng và sự tồn vong của Nga bị đe dọa. Đây là một nguyên nhân nữa khiến phương Tây chưa dám thực hiện triệt để bóp nghẹt nền kinh tế Nga.
Như vậy, trừng phạt kinh tế không phải là công cụ đúng đắn để giải quyết các vấn đề chiến lược liên quan đến Nga.
Để hỗ trợ chấm dứt xung đột quân sự ở Ukraine, phương Tây buộc phải tìm các công cụ thay thế. Vào thời điểm hiện nay, ngoại giao là công cụ tốt nhất. Vì ngay cả trong tình huống quân Ukraine đẩy lui được quân Nga về biên giới trước ngày 24/2, không có gì đảm bảo chiến sự sẽ chấm dứt. Nga vẫn có thể tiếp tục pháo kích cơ sở hạ tầng của Ukraine từ lãnh thổ Nga. Còn nếu quân Ukraine tiến vào lãnh thổ Nga, sẽ xuất hiện nguy cơ cao Nga trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.
Để đạt một giải pháp hòa bình, người ta cần tính đến các lợi ích an ninh của Nga ở châu Âu và ngưng sự mở rộng NATO về phía Đông./.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết