Trong một số trường hợp, dù đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ số năm bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động có thể đóng BHXH một lần cho đủ số năm để nhận lương hưu.
Điều 54 Luật BHXH năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động đủ tuổi và đóng đủ BHXH từ 20 năm trở lên sẽ đủ điều kiện được hưởng lương hưu.
Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ của người lao động. Theo đó, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Như vậy, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì tuổi nghỉ hưu năm 2023 đối nam là từ đủ 60 tuổi 9 tháng. Đối với lao động nữ là từ đủ 56 tuổi.
Bên cạnh đó, Điều này cũng quy định một số trường hợp đặc biệt được nghỉ hưu trước không quá 5 năm so với độ tuổi nói trên.
– Khoản 3 Điều 169 quy định, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Khoản 4 Điều 169 quy định Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định trên tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Vậy đóng BHXH bao nhiêu lâu thì được đóng nốt một lần rồi hưởng lương hưu?
Đối với BHXH bắt buộc
Khoản 6 Điều 85 Luật BHXH 2014 quy định, trường hợp người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 6 tháng, người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu.
Mức đóng hàng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động hàng tháng theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo đó, nếu người lao động đã đủ tuổi về hưu và còn thiếu tối đa 6 tháng; thì được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu. Trường hợp còn thiếu nhiều hơn 6 tháng, người lao động có thể tham gia đóng BHXH tự nguyện.
Đối với BHXH tự nguyện
Theo Điều 9, Điều 12 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ, người tham gia có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng hằng tháng, đóng 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau (nhưng không quá 5 năm).
Ngoài ra, người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho những nằm còn thiếu.
Như vậy, nếu thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm và đã đến tuổi về hưu, người lao động được đóng bù một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết