Thời Lê sơ, năm 1473, vua Lê Thánh Tông đã ban chỉ cấm uống rượu.
Rượu xuất hiện từ thời cổ đại, có lẽ chỉ sau khi con người tìm ra lửa và biết trồng trọt. Dù rượu làm tăng hưng phấn, nhưng say rượu thì để lại nhiều hậu quả, từ nói năng càn rỡ đến đánh chửi nhau, gây ra tan vỡ hạnh phúc gia đình, nhà tan cửa nát, thậm chí quốc gia nghiêng ngả.
Trong lịch sử Việt Nam, vua Trần Anh Tông thời còn trẻ suýt bị Thượng hoàng Trần Nhân Tông truất ngôi vua vì say rượu, do đó về già ngài rất cẩn trọng với việc uống rượu.
Sau này, khi Thượng hoàng gợi ý Trần Anh Tông chọn Nội thị Chánh chưởng Nguyễn Quốc Phụ làm Hành khiển, nhà vua đã từ chối vì lý do: “Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì Quốc Phụ được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!”.
Thời Lê sơ, năm 1473, vua Lê Thánh Tông đã ban chỉ cấm uống rượu. Sắc chỉ của nhà vua ban xuống cho quan viên và trăm họ viết rằng: “Kể từ nay, trong nhà không làm cỗ thết khách thì không được chè chén, người vợ không phạm tội thì không được ruồng bỏ. Kẻ nào dám rượu chè bừa bãi, gia đạo không nghiêm, kẻ nào không có mối lái mà dám vụng trộm tư thông thì phải trị tội”. Ai trái lệnh sẽ bị phạt trượng hoặc bị tội đồ.
Đến thời Lê trung hưng, tình trạng rượu chè bê tha phổ biến trong quan lại và dân chúng, nên năm 1718, chúa Trịnh Cương đã phải ban hành luật cấm uống rượu.
Bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do các sử quan triều Nguyễn viết về sự kiện này như sau: “Tháng 10, mùa Đông, định rõ lệnh cấm uống rượu” và chú giải thêm rằng: “Lúc ấy phong tục ở dân gian đắm đuối về chè rượu, họ thường giả thác vào lệ làng, quần tụ nhau uống rượu thả cửa, liên miên không có hạn độ nào. Vì thế mới định điều lệ ngăn cấm”.
Sách “Lịch triều tạp kỷ” của Ngô Cao Lãng viết chi tiết hơn về lệnh cấm này, qua văn bản từ phủ chúa cho các ty Thừa chính và Hiến sát: “Cổ nhân bày đặt ra rượu, là cốt để dùng vào việc cúng tế và thết khách, nhưng dùng theo nghi lễ và có tiết độ. Gần nay dân gian hay tạ sự để uống rượu bừa phứa; có khi vì sự giao du qua lại, tụ họp nhau mà vui thú say sưa; có khi mượn chuyện hương ẩm mà chè chén kéo dài; thậm chí dắt nhau ra chợ, không uống say không chịu về. Do đấy, gây chuyện thị phi, sinh sự cãi nhau, đánh lộn, mua thù chuốc oán, đem nhau đi kiện. Vì những lý do như thế, tệ hại ấy phải nên ngăn cấm và cách bỏ đi”.
Do đó, lệnh của phủ chúa viết: “Từ nay trở đi, phàm nhà ai có việc cúng tế, khánh hỷ, cưới xin, và dân gian có việc thờ thần, cầu phúc thì mới cho phép dùng rượu, nhưng cũng phải hạn chế và tiết độ, không được mượn cớ để say sưa. Cũng không được vô cớ mà quần tụ chè chén. Còn các cửa hàng không được phép bán rượu cho khách họp nhau ăn uống.
Các xã trưởng, thôn trưởng và phường trưởng ai nấy đều nên thường răn bảo mọi người, nếu ai vi phạm thì cho phép bắt giải lên quan sở tại. Nếu bản thân xã, thôn, phường trưởng ấy phạm lệnh cấm hay vì tình riêng, dung túng người khác uống rượu, hễ bị kẻ khác tố cáo, khi điều tra quả đúng sự thật sẽ bị phạt; người tố cáo sẽ được thưởng”.
Về điều khoản thi hành, lệnh này quy định: “Việc này có quan hệ đến sự giữ gìn phong hóa của dân, nên ở Kinh, cho phép các quan đề lĩnh, ở ngoài các trấn, cho phép các quan lưu thủ, trấn thủ và Hiến sát ty đều dò la kiểm sát nghiêm ngặt. Phải sao lục lệnh cấm này gửi các quan phủ, huyện, châu thuộc hạt mình để họ sao chép ra mà treo ở nơi trị sở của nha môn mình, khiến cho các xã trưởng, thôn trưởng và phường trưởng lại sao chép lấy, hiểu dụ suốt cả hàng xã mình đều biết mà tuân theo. Làm vậy để cho cấm lệnh được chấp hành nghiêm túc”.
Theo bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” (Chính biên, đệ nhất kỷ), khi vua Gia Long còn đang tranh đấu với nhà Tây Sơn, đã ban hành 32 điều lệnh trong quân, trong đó có điều thứ 10 là: “Trong quân không được đánh bạc uống rượu. Như đánh bạc ở đồn sở thì không kể quan hay dân, đều trị 100 roi, tiền mặt bắt được trong sòng thì thưởng cho người tố cáo. Uống rượu thì quan bị xử nặng, lính cũng trị 100 roi và sung làm đầu bếp. Ra trận thì đều chém đầu để răn bảo mọi người”.
Đến khi triều Nguyễn cai trị, năm Tự Đức thứ 36 (1883), triều đình ra quy định, những người vô gia cư, có chứng nghiện rượu sẽ bị sung quân và phát vãng lên miền núi để khai khẩn đất hoang. Ai gây án trong lúc say xỉn không làm chủ được hành vi, bất luận là tội nặng hay tội nhẹ, cũng phải bị phạt như người ở trạng thái tỉnh táo.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết