Không gian mạng là mảnh đất màu mỡ dành cho những kẻ biến thái khi chẳng ai biết ai là ai. Nạn nhân của việc quấy rối trên mạng hầu hết là các cô gái trẻ. Họ bị các đối tượng xấu tiếp cận với cách thức khá giống nhau như: lân la bắt chuyện, làm quen, sau đó là lời nói thô tục và thậm chí gửi clip đồi truỵ, gọi điện “show hàng”.
Trước khi cư dân mạng biết đến cô giáo Minh Thu, một trường hợp khác cũng nổi tiếng bất ngờ khác, đó là hotgirl Tiểu Hý. Hotgirl này nổi tiếng chỉ sau một video nhảy cover trên nền nhạc bài hát Hạ Còn Vương Nắng phiên bản remix. Sự nổi tiếng bất ngờ mang lại nhiều cái được và cũng không ít những phiền toái. Đó là việc nhiều trang thông tin mạng lan truyền thông tin Tiểu Hý có “quan hệ tình cảm” với một đại gia đất Quảng Ninh, rồi làm tiểu tam cướp chồng, số khác thì cắt ghép những hình ảnh lấy từ phim người lớn rồi tung những “nghi vấn” lộ ảnh, phim nhạy cảm… Sự việc lớn đến mức cô gái này phải lên trang cá nhân đính chính những thông tin thất thiệt.
Quay lại trường hợp cô giáo Minh Thu, mấy ngày hôm nay, bên cạnh làn sóng đón nhận nhiệt liệt của cư dân mạng về một cô giáo vừa có kiến thức, vừa xinh đẹp, là những bình luận quấy rối, xúc phạm rất thô bỉ của những cư dân mạng. Những bình luận này xuất hiện ở nhiều nơi, các fanpage giải trí, các hội nhóm kín… Một số khác thì cho rằng cô giáo này “hám fame” và việc bị trêu chọc, quấy rối này khiến cô ấy thích thú, tăng được tương tác, số khác thì nói việc nổi tiếng bằng nhan sắc thì phải chấp nhận bình phẩm tục tĩu (?). Không ít thành phần thô lỗ, gửi những bức ảnh nhạy cảm vào hòm thư trên fanpage Cô giáo Minh Thu và tự hào khoe khoang những “chiến tích” đó trên mạng xã hội.
Chắc hẳn là có nhiều bạn nữ đã từng trải qua việc bị những tài khoản mạng xã hội nước ngoài gửi những ảnh nhạy cảm, ảnh quấy rối qua inbox cá nhân và giờ thì nhiều cư dân mạng Việt Nam lại đang “đú” theo việc ấy. Học cái gì hay ho không học, lại đi học cái chuyện bần tiện như vậy.
Câu chuyện quấy rối tình dục trên mạng không mới ở Việt Nam
Đã có quá nhiều bằng chứng về vấn nạn này trên mạng, từ cả nam lẫn nữ, như câu chuyện Barron Trump – con trai của ông Donald Trump bị nhiều chị em bình luận quấy rối và gạ gẫm công khai trên mạng xã hội, hay như một bài đăng về những mẫu nam Hàn Quốc quảng cáo cho một tạp chí cũng bị nhiều chị em vào chê bai là “ciu bé”, “cởi ra đi” và một số meme rất tục…
Họ đang làm cái quái quỷ gì vậy? Muốn thể hiện bản thân hay là quyền tự do ngôn luận? Nhưng chẳng có một sự tự do ngôn luận, vui đùa nào được hình thành dựa trên sự quấy rối, miệt thị và xúc phạm người khác.
Ít người biết rằng Minh Thu đã livestream dạy học từ cách đây hơn tháng trời, có rất nhiều học sinh đón xem một cách rất nghiêm túc, học tập thẳng thắng. Nhưng những ngày gần đây, đội quân cư dân mạng kéo đến rất đông, khiến cho nhiều học sinh muốn học tập tử tế cũng bị dao động bởi những thứ bên lề. Sẽ ra sao nếu những học sinh vốn chưa vị thành niên, đọc được những bình luận vô học như vậy? Trước trường hợp của Minh Thu, một thầy giáo khác vốn khá nổi tiếng về bề ngoài điển trai, cũng bị nhiều nữ sinh quấy rối ngay trên sóng livestream.
Cô giáo xăm hình là hư hỏng?
Đây cũng lại là một nhận đầy định kiến. Đánh giá một người thầy cô tốt, phải dựa trên việc người thầy cô có những ảnh hưởng tích cực như thế nào đến học sinh, là truyền tải kiến thức, kinh nghiệm sống, sự tự tin, sự gần gũi… chứ không phải là một hình xăm. Dĩ nhiên, các thầy cô không nên xăm hình quá nhiều và các hình xăm nên tiết chế ở một mức độ nào đó phù hợp với môi trường sư phạm.
Có người lại nói rằng livestream lên mạng xã hội thì phải chấp nhận, ăn mặc như thế thì bị trêu chọc là đúng. Việc ăn mặc của Minh Thu, rõ ràng là rất bình thường, gọn nhẹ, lịch sự và không hề hở hang. Mà câu chuyện “ăn mặc như thế thì bị trêu chọc” là đúng, khá là giống câu nói của một bà mẹ bênh vực con trai mình cướp đồ của người khác: “Đeo dây chuyền làm chi cho nó cướp”.
Nếu muốn thể hiện cái khoái cảm bệnh hoạn, vui lòng ngừng gõ phím trên các mạng xã hội công khai, vui lòng ngừng phán xét ở chốn đông người. Bạn có thể quay tay ở trong một căn phòng chỉ có một mình bạn, chứ đừng quay tay ở chốn đông người.
Đôi khi, nhìn về cách hành xử của nhiều cư dân mạng Việt Nam, thì mẩu tin về việc Microsoft xếp Việt Nam vào top 5 những nước hành xử kém văn minh trên mạng xã hội, cũng không hẳn là sai.
Mức xử phạt với việc quấy rối tình dục
Tuỳ theo tính chất, mức độ, hành vi quấy rồi tính dục qua mạng có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, căn cứ điểm g khoảng 3 Điều 102 nghị định 15/CP ngày 3/2/2020 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Ngoài ra, hành vi quấy rối, làm phiền người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc vu khống người khác (Điều 156 BLHS).
Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
LifeHub Tổng Hợp