Đất nước này là một trong những nạn nhân đầu tiên hiện tượng nóng lên toàn cầu và nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu gây ra.
Bạn có thể nghĩ rằng việc ở trên những hòn đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương sẽ giống như sống trong thiên đường vậy. Có lẽ điều đó là đúng đối với đất nước đề cao tính cộng đồng, sự đồng thuận và lòng hiếu khách như Tuvalu.
Tuy nhiên, Tuvalu đang gặp phải những mối đe doạ hiện hữu. Đất nước này là một trong những nạn nhân đầu tiên hiện tượng nóng lên toàn cầu và nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu gây ra. Điều này ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của Tuvalu, thậm chí khiến đất nước tí hon có nguy cơ bị xoá sổ khỏi bản đồ thế giới.
Vị trí địa lý khó khăn
Theo CIA Factbook, đất nước này bao gồm 9 đảo san hô có tổng diện tích khoảng gần 26km2, tức là chỉ nhỏ bằng 1/10 diện tích đất liền của thành phố Washington D.C.
Tuy nhiên, các hòn đảo của Tuvalu nằm trải dài từ Erie, Pennsylvania đến Vịnh Chesapeake. Điều đó đồng nghĩa với việc đi vòng từ đảo này sang đảo khác là một cuộc hành trình dài. Mọi người sẽ cần sử dụng thuỷ phi cơ hoặc phổ biến hơn là tàu của chính phủ để đi lại giữa các hòn đảo.
Theo Britannica, hơn một dân số của Tuvalu sống ở thủ đô nằm trên đảo san hô Funafuti. Tất cả các đảo san hô của quốc gia này đều nằm ở vị trí thấp. Nơi cao nhất cũng chỉ khoảng 10m.
Một người sống ở Tuvalu sẽ ít có cơ hội được thấy đồi núi. Nơi đây chỉ là mảnh đất bằng phẳng được bao quanh bởi một vùng biển dường như vô tận cũng bằng phẳng không kém. Địa lý như vậy cũng có nghĩa là không có cả sông. Do đó, tất cả nước ngọt được cung cấp thông qua các hệ thống lưu vực hoặc thông qua quá trình khử muối – một phương pháp ngày càng trở nên phổ biến do nguồn nước bị nhiễm mặn.
Những con người hiếu khách sống thành những đại gia đình
Xã hội Tuvalu có quy mô nhỏ khiến quan hệ họ hàng của những người dân sống trên đảo trở nên rộng lớn. Theo Đại học Quốc tế Florida, các hộ gia đình ở Tuvalu đều là các đại gia đình. Một hộ gia đình Tuvalu điển hình bao gồm 3 thế hệ.
Ông bà thường được coi là những người có trình độ chăm sóc con cái tốt nhất. Mọi quyết định phải được các thế hệ lớn tuổi thông qua. Vai trò giới cũng được xác định khá rõ ràng. Phụ nữ quán xuyến nhà cửa trong khi nam giới đi đánh cá và làm việc tại trang trại.
Vỏ sò là một biểu tượng chung thể hiện lòng hiếu khách của người Tuvalu. Những chiếc vòng cổ làm bằng vỏ sò thường được người Tuvalu tặng cho bạn bè và du khách, tương tự như món quà là vòng cổ được kết từ những bông hoa và lá cây của người Hawaii.
Vỏ ốc xà cừ đặc biệt quan trọng đối với người dân ở Tuvalu. Trong lịch sử, người ta thổi vỏ ốc xà cừ để kêu gọi mọi người cùng tham gia một sự kiện hoặc cuộc họp cộng đồng. Vì vậy, nó là biểu tượng của sự đồng thuận và sẻ chia của người dân trên đất nước này.
“Tuvalu đang chìm”
Vị trí địa lý trũng thấp khiến Tuvalu rất dễ chịu ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Guardian, “Tuvalu đang chìm” đã trở thành một cụm từ phổ biến rộng rãi trên khắp đất nước. Đây không phải là một sự cường điệu mà là một mối đe doạ hiện hữu thực sự gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nơi này.
Khi nước biển dâng, các hòn đảo dần dần bị bao phủ bởi đại dương xung quanh. Mất đất đai không phải là vấn đề duy nhất. Nguồn nước ngọt bị ô nhiễm khiến các loài cá cũng bị ô nhiễm theo trong khi mùa màng bị tàn phá. Tất cả đều do biến đổi khí hậu.
Người Tuvalu ngày càng phải phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài để tồn tại. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đang lên kế hoạch cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm cứu các hòn đảo. Thế nhưng, tương lai chắc chắn sẽ vẫn rất tồi tệ.
Sơ tán người dân khỏi các hòn đảo là biện pháp cuối cùng đối với người Tuvalu, mặc dù có vẻ như họ có thể sẽ trở thành những người tị nạn do biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới. Nước láng giềng Fiji đã dành đất cho người Tuvalu di chuyển về phía nam. Tuy nhiên, Tuvalu vẫn chưa nhận lời.
Nỗ lực dùng năng lượng xanh để cứu vãn tình thế
Do phải đối mặt với cuộc khủng hoảng môi trường, Tuvalu đã cam kết trở thành mọt hình mẫu về năng lượng xanh. Quốc gia này đã tăng cường nỗ lực, cam kết tạo nên môi trường xanh hoàn toàn vào năm 2025.
Năm 2019, Trung tâm Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng Thái Bình Dương đã dẫn lời Thủ tướng khi đó là Enele Sopoaga nói: “Lượng khí thải của chúng tôi có thể rất nhỏ nhưng nỗ lực của chúng tôi đẻ trở thành 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025 là một biểu tượng của sự lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Các mục tiêu năng lượng và mục tiêu NDC của chúng tôi là biểu tượng cho sự thúc đẩy của chúng tôi đối với các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm giảm lượng khí nhà kính của họ.”
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết