Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà có thể gây ra những tác dụng phụ bất lợi đối với cơ thể.
Bên cạnh cà phê, trà cũng được xếp vào một trong số các đồ uống được yêu thích nhất thế giới. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra hàng loại các lợi ích sức khỏe mà trà có thể mang lại như giảm viêm, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm lượng đường trong máu, làm chậm quá trình lão hóa,…
Mặc dù vậy, trà cũng có thể gây ra những tác dụng phụ có hại đối với cơ thể.
1. Uống trà làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể
Mỗi một loại trà có chứa hàm lượng caffeine khác nhau. Các loại trà đen, trà trắng, trà xanh có chứa từ 14-61 milligram caffeine trên 1 tách trà. Lượng caffeine này có thể không nhiều bằng lượng caffeine trong một tách cà phê. Tuy nhiên, nó vẫn có thể làm mất sự cân bằng nhịp sinh học của cơ thể.
Nhịp sinh học là bất kỳ quy trình sinh học nào hiển thị một dao động nội sinh, có một chu kỳ khoảng 24 giờ, bao gồm thời gian chúng ta thức dậy và đi ngủ. Nhịp sinh học có thể bị mất cân bằng bởi ánh sáng, sự căng thẳng, công việc và caffeine. Việc duy trì nhịp sinh học tự nhiên là vô cùng quan trọng bởi điều này sẽ giúp chúng chúng ta tỉnh táo hơn vào ban ngày, ngủ ngon hơn vào ban đêm và duy trì sức khỏe tổng thể tốt hơn.
Nếu chúng ta uống quá nhiều trà có chứa caffeine vào buổi chiều hoặc tối sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, từ đó làm rối loạn nhịp sinh học.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu nhịp sinh học bị gián đoạn liên tục có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch, sức khỏe tâm thần, tăng cân và suy giảm hệ thống miễn dịch.
Vì vậy, nếu có thói quen uống trà vào buổi tối, bạn nên thay thế trà xanh bằng các loại trà thảo dược như trà hoa cúc, trà bạc hà,…
2. Uống trà tăng nguy cơ ung thư thực quản
Điều này có thể khiến cho bạn ngạc nhiên nhưng uống trà nóng thực sự có liên quan tới ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản (hay còn gọi là ung thư thực quản). Một nghiên cứu trên một nhóm cư dân miền Bắc Iran cho thấy uống nhiều trà đen khi còn nóng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư thực quản.
Theo đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy chỉ cần tiêu thụ 700ml trà nóng trên 60 độ C mỗi ngày (khoảng 2-3 tách trà), nguy cơ ung thư thực quản của một người đã tăng đến 90%. Nguy cơ này sẽ tăng 240% nếu uống trà, cà phê nóng từ 75 độ C trở lên.
Các nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự rằng việc uống cả trà và cà phê nóng đều có thể dẫn tới tổn thương thực quản.
Từ đó, theo các nhà nghiên cứu, nhiệt độ tốt nhất để uống trà và cà phê là dưới 60 độ C.
3. Uống trà làm giảm nồng độ sắt trong cơ thể
Trà có thể có những lợi ích sức khỏe đáng kinh ngạc, nhưng các nghiên cứu cho thấy những người bị thiếu máu hoặc thiếu sắt nên cẩn trọng khi uống trà.
Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng cho thấy cả trà đen và trà xanh đều có thể hạn chế sinh khả dụng của sắt lên đến 94%. Sinh khả dụng của những gì mà chúng ta tiêu thụ rất quan trọng vì nó là phép đo lượng chất dinh dưỡng được cơ thể hấp thụ.
Một báo cáo khác chỉ ra rằng chất tannin có trong trà có thể là nguyên nhân gây ra những thay đổi trong việc hấp thụ sắt trong cơ thể. Tannin là một hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong một số loại trà, rượu vang và socola. Hợp chất này đã được chứng minh là làm giảm sinh khả dụng của sắt sau khi tiêu thụ liên tục. Khi có lượng sắt thấp, bạn có thể gặp phải những tình trạng như kiệt sức, bồn chồn, da khô và đau đầu.
4. Uống trà gây mất nước
Trà đen và trà xanh được coi là thuốc lợi tiểu, có thể dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều lần. Điều này xảy ra do chất lợi tiểu có trong trà làm tăng nồng độ natri trong thận một cách tự nhiên và cơ thể sẽ thải natri ra ngoài cùng với nước. Lợi ích này có thể phù hợp với những người có tình trạng tích nước nhưng đối với những người bị thiếu nước, trà có thể có làm mất nước.
Theo một báo cáo trên Tạp chí The Pharma Innovation, tính chất lợi tiểu của trà xanh và trà đen có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải và mất nước, từ đó có gây ra một số triệu chứng như hôn mê, nhịp tim không đều và đau đầu dữ dội.
5. Uống trà gây táo bón
Trong các hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong trà, theophylline là một trong những hợp chất phổ biến cần lưu ý. Hợp chất này được tìm thấy trong cả cà phê và trà, và đôi khi được sử dụng để làm trơn cơ đường thở cho bệnh nhân hen suyễn . Mặc dù nó có lợi cho việc hô hấp, nhưng nó cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ khó chịu.
Theo một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Nội khoa tại Mỹ, tiêu thụ theophylline trong trà có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Một số nghiên cứu khác cũng cho biết theophylline là chất gây ra táo bón và buồn nôn. Vì vậy, nếu bạn là người đã từng gặp các vấn đề về tiêu hóa, hãy cẩn trọng khi uống trà.
Nên uống bao nhiêu trà 1 ngày?
Điều độ là chìa khóa cho sức khỏe của mỗi người. Trà là thức uống tốt cho sức khỏe nếu chúng ta uống với liều lượng vừa phải. Việc uống quá nhiều trà có thể dẫn tới những triệu chứng như lo lắng, đau đầu, rối loạn tiêu hóa và rối loạn giấc ngủ. Theo đó, lượng trà nên uống mỗi ngày là 3-4 tách (tương đương 710-950ml).
Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về liều lượng trà nên uống trong ngày, đặc biệt khi bạn có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết