Từ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng đến Bạch Long Mã đều từng phạm luật trời và bị trừng phạt, vì sao Quan Âm Bồ Tát lại chọn họ đưa Đường Tăng đi thỉnh kinh?
Truyện Tây du ký kể, Phật tổ Như Lai sai Quan Âm Bồ Tát tìm một người ở Đại Đường đi lấy kinh về để giáo hóa chúng sinh nơi đó. Pháp sư Trần Huyền Trang (Đường Tăng, Đường Tam Tạng), vốn là Kim Thiền trưởng lão đầu thai, được chọn. Việc còn lại là tìm các trợ thủ để bảo vệ, giúp đỡ Đường Tăng trên con đường gian nan sang Tây Thiên đất Phật.
Thay vì tìm những nhân vật hoàn hảo, không tì vết thì Quan Âm lại chọn Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long Mã làm đồ đệ của Đường Tăng. Điểm chung của 4 vị đồ đệ này là đều từng “có tiền án tiền sự” ở thiên đình và bị trừng phạt.
Đại đồ đệ Tôn Hành Giả tài phép xuất chúng, có 72 phép biến hóa, thần thông quảng đại, khi đại náo thiên cung thì thiên binh thiên tướng không thể làm gì được. Chỉ đến khi Phật tổ ra tay, Tề thiên Đại thánh mới bị bắt, đem giam cầm dưới Ngũ Hành sơn tới 500 năm, cho đến khi được chính Đường Tăng giải thoát trên đường thỉnh kinh. Từ đó, mỹ hầu vương theo chân vị pháp sư này đi Tây Trúc.
Nhị đồ đệ Trư Bát Giới vốn là Thiên Bồng Nguyên soái, có 36 phép biến hóa, được giao chỉ huy hơn 8 vạn thuỷ binh ở thiên đình. Vì không kiểm soát được dục vọng mà trêu ghẹo Hằng Nga, vị nguyên soái này bị trục xuất khỏi tiên đình, đẩy xuống trần gian, đầu thai vào chuồng lợn.
Tam đồ đệ Sa Tăng vốn là Quyển Liêm đại tướng trên thiên đình, cũng là đại nhân vật phạm tội bị đày xuống trần sau khi nhỡ tay làm vỡ chiếc cốc lưu ly của Ngọc Hoàng. Ở trần gian, cựu thiên tướng này trở thành yêu quái hung dữ, làm mưa làm gió ở sông Lưu Sa, tiếp tục gây tội lỗi cho đến khi gặp được Đường Tăng, vị sư phụ mà Quan Âm Bồ Tát dặn phải kiên nhân chờ đợi.
Con ngựa trắng mà Đường Tăng cưỡi, được coi là đồ đệ thứ tư, cũng thuộc loại “lý lịch có tì vết”. Nó vốn là Bạch Long, con trai của Tây Hải Long vương. Tội trạng của vị thái tử Long cung này là đốt cháy viên ngọc dạ minh châu, món quà cưới của Ngọc Hoàng, vào đúng ngày thành hôn của mình, khi phát hiện người vợ mới cưới dan díu với người khác. Với tội ngỗ ngược bất kính này, Bạch Long bị xiềng xích giữa trời, phải đợi người lấy kinh đi qua để bái làm sư phụ, chịu cưa sừng, tróc vảy, trút bỏ lốt rồng, làm ngựa cưỡi cho Đường Tăng.
Vì sao khi tìm đồ đệ cho Đường Tăng, Quan Âm Bồ Tát lại chọn toàn kẻ có “tiền án tiền sự” như vậy? Điều này ẩn chứa thông điệp sâu xa gì? Bạn hãy để ý khi phò sư phụ đi Tây Thiên, 3 đồ đệ được đặt pháp danh có chữ “ngộ”: Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh, Ngộ Ký. Ngộ mang nghĩa giác ngộ, là sự lĩnh hội để thay đổi, nhận thức lại theo con đường hướng đến chân lý giải thoát. Đó là quá trình vượt qua ma tính của bản thân, thân tâm hợp nhất.
Cái tên Ngộ Không mang ý nghĩa xóa bỏ cái tâm chấp trước, Ngộ Năng có ý nghĩa diệt trừ tham dục, Ngộ Tĩnh là mong muốn trở về với cái tâm thanh tịnh và trong sạch bằng cách kham nhẫn, chịu đựng, lấy tĩnh chế động.
Quá trình đi thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng thực ra là quá trình con người vượt qua chính mình để đạt đến giác ngộ. Vì thế, sư phụ Đường Tăng được xây dựng với hình tượng con người phàm tục, các đồ đệ tuy xuất thân thần tiên, nhiều thần thông biến hóa nhưng đều “có vết”, đều cần thay đổi. Cuộc chiến đấu với hàng vạn yêu quái trên đường sang Tây Thiên chính là cuộc “nội chiến” để thanh lọc tâm. Bởi vậy mà ngay cả Tôn Ngộ Không có 72 phép biến hóa, từng khiến cả thiên đình sợ hãi nhưng lắm khi phải chịu bó tay khi gặp những yêu tinh “nhãi nhép” chỉ là thú cưỡi của thần tiên nào đó.
Nói một cách nôm na, quá trình thỉnh kinh của vị sư phụ mang xác phàm và 4 đồ đệ “lý lịch có vết” chính là quá trình con người tự đấu tranh để vượt qua vô minh, tham, sân, si… để hướng tới sự an lạc thật sự.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết