Với khả năng trả lời trôi chảy và hết sức tự nhiên mọi câu hỏi trong nhiều lĩnh vực mà người dùng đặt ra, đây được cho là yếu tố giúp ChatGPT thành công vượt trội.
Được phát triển bởi OpenAI – công ty nghiên cứu phát triển phần mềm có trụ sở tại San Francisco, chatbot AI mang tên ChatGPT đã tạo ra một cơn sốt mới trong làng công nghệ thế giới khi ra mắt vào tháng 11/2022.
Năm ngày sau khi ChatGPT được ra mắt dưới dạng miễn phí và không giới hạn, chatbot này đã vượt mốc 1 triệu người dùng.
Theo thống kê mới nhất, ChatGPT đã vượt qua mốc 10 triệu người dùng hàng ngày chỉ sau 40 ngày, vượt xa tốc độ tăng trưởng ban đầu các mạng xã hội như Instagram – một trong những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay.
“ChatGPT vượt mốc 10 triệu người dùng hằng ngày sau 40 ngày ra mắt chính thức. Trong khi Instagram mất 355 ngày để đạt được 10 triệu người dùng đăng ký”, ông Brett Winton, giám đốc mảng hoạch định tương lai tại quỹ đầu tư ARK Venture Investment, viết trên Twitter.
Theo Adam Conner, phó chủ tịch phụ trách chính sách công nghệ tại Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ, ChatGPT đã nhanh chóng trở nên phổ biến vì đây là một trong những công nghệ AI đầu tiên thuộc loại này được cung cấp cho công chúng theo cách mà công chúng có thể hiểu được.
Theo Jim Chilton, CTO của Cengage Group, một công ty công nghệ giáo dục, có thể coi ChatGPT như một “người bạn ảo tốt nhất”.
ChatGPT sẽ còn bùng nổ, hay sẽ sớm chững lại?
Với riêng ChatGPT, số lượng người dùng của chatbot có thể sẽ tăng lên trong tương lai, theo các chuyên gia công nghệ. Cụ thể, tiềm năng ứng dụng của ChatGPT được đánh giá là vô hạn. Bản thân mức độ phổ biến của chatbot AI này cũng tăng lên khi nhiều nhà nghiên cứu và nhà phát triển biết đến nó, theo các chuyên gia công nghệ.
Nhờ khả năng trả lời trôi chảy và hết sức tự nhiên mọi câu hỏi trong nhiều lĩnh vực mà người dùng đặt ra, đây được cho là yếu tố giúp ChatGPT thành công. Theo đó, một số tính năng của ChatGPT là trả lời các câu hỏi dạng tiếp nối (sau câu hỏi chính), đính chính hoặc sửa sai các giả thiết không chính xác, từ chối những truy vấn không phù hợp và thậm chí là tự thừa nhận lỗi sai của…chính mình.
Giống như các công cụ AI khác, ChatGPT cũng được đào tạo dựa trên một cơ sở dữ liệu khổng lồ, cụ thể ở đây là các dữ liệu dạng văn bản. ChatGPT sau khi được đào tạo có thể tạo ra một văn phong của riêng mình, vốn được tổng hợp từ các phong cách viết khác nhau.
OpenAI không tiết lộ dữ liệu chính xác nào đã được sử dụng để đào tạo ChatGPT, nhưng công ty này cho biết chatbot thường thu thập thông tin trên web, sử dụng các nguồn lưu trữ và số hóa sách, và Wikipedia cho tới thời điểm 2021. Điều này đã biến ChatGPT trở thành một công cụ vô giá cho nhiều ứng dụng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, máy học và phân tích dữ liệu, đủ khiến nhiều gã khổng lồ công nghệ ‘mất ngủ’.
Bên cạnh đó, mức độ phổ biến ngày càng tăng của ChatGPT cho thấy có một bộ phận người dùng thích nhận thông tin qua câu hỏi và câu trả lời hơn là phương thức truy vấn tìm kiếm thông thường.
Krishna Gade, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp giám sát mô hình AI Fiddler, cho biết ChatGPT và các công nghệ ngôn ngữ liên quan có thể dẫn đến “sự gián đoạn lớn trong lĩnh vực tìm kiếm trên web”. Đây cũng chính là một lĩnh vực Google đã thống trị từ lâu.
Nhiều chuyên gia công nghệ khẳng định, nếu mức độ phổ biến của ChatGPT hay các công cụ chatbot khác tiếp tục gia tăng, Google có được cho là sẽ phải cập nhật công nghệ tìm kiếm cốt lõi của mình để tập trung vào yếu tố tương tác với người dùng một cách nổi bật hơn.
Trên thực tế, ban lãnh đạo của Google đã tuyên bố ‘báo động đỏ’ trước sự phổ biến ngày càng tăng của ChatGPT, theo một số kênh truyền thông. Gần đây nhất, CEO Sundar Pichai đã tuyên bố Google đang tăng tốc phát triển AI cho gã khổng lồ công nghệ. Bên cạnh đó, Google được cho là đang chuẩn bị ra mắt ít nhất 20 sản phẩm liên quan tới AI, cùng một chatbot mới cho công cụ tìm kiếm của mình trong năm nay.
Tất nhiên, sự thắng thế về mức độ tăng trưởng người dùng của ChatGPT so với các dịch vụ hay mạng xã hội phổ biến khác có thể sẽ không kéo dài quá lâu, theo nhận định của một số chuyên gia.
Đây được coi là nhận định có cơ sở, trong bối cảnh việc bùng nổ quá nhanh của ChatGPT đang dẫn tới những trải nghiệm không tốt cho người dùng. Ở thời điểm hiện tại, website của ChatGPT thường không ổn định do lượng người truy cập và sử dụng quá lớn, khiến máy chủ của chatbot AI này bị quá tải. Chưa kể đến, ChatGPT cũng thường xuyên xảy ra tình trạng không thể hiển thị được phản hồi và liên tục báo lỗi vào thời điểm cao điểm.
Đáng chú ý, theo thừa nhận của Sam Altman, CEO OpenAI, việc xử lý tất cả các truy vấn từ một lượng người dùng khiến công ty này tốn rất nhiều chi phí điện toán, khi ChatGPT cần một lượng lớn tài nguyên máy tính để xử lý các câu hỏi của người dùng.
Điều này buộc OpenAI phải tiến hành thu phí từ ChatGPT vào một thời điểm nào đó. Cụ thể, OpenAI được cho đang lên kế hoạch ra mắt phiên bản cao cấp, thử nghiệm của chatbot AI phổ biến của mình, với tên gọi “ChatGPT Professional”. Với mức phí thuê bao hàng tháng trị giá 42 USD, phiên bản cao cấp sẽ bao gồm các tính năng bổ sung như thời gian phản hồi nhanh hơn và ưu tiên quyền truy cập.
Đương nhiên, khi ra mắt phiên bản trả phí, sự tăng trưởng về số lượng người dùng của ChatGPT có thể sẽ chững lại đáng kể, trong bối cảnh việc ra mắt miễn phí và rộng rãi tới mọi người dùng là yếu tố ‘hút khách’ nhất của chatbot AI này, giúp nó có thể bùng nổ cực nhanh.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết