Trên đời này, rất nhiều người mãi vẫn không khá lên được, quả thực là vì thua bởi một chữ “lười”.
Vì sao bạn không kiếm được tiền?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người không kiếm được tiền, có thể là do không chịu nỗ lực, có thể là do không có nhiều mối quan hệ, cũng có thể do không may mắn… nhưng thứ này đều là những nhân tố khách quan bên ngoài.
Có một nguyên nhân rất quan trọng xuất phát từ bên trong của một người đó là, bạn quá lười.
Trên đời này, rất nhiều người mãi vẫn không khá lên được, quả thực là vì thua bởi một chữ “lười”.
1. Lười biếng, thủ phạm của cuộc sống bất hạnh
Trong một chương trình truyền hình thực tế về tranh biện, có một chủ đề được đưa ra đó là: Lười biếng, có phải ánh sáng của loài người?
Thế nào là lười biếng?
Có người định nghĩa rằng: Lười biếng, chính là không làm việc mà đáng lẽ nên làm.
Thế nào gọi là “đáng lẽ nên làm nhưng lại không làm”?
Anh ấy lấy một ví dụ như này:
Giáo viên yêu cầu sinh viên viết một báo cáo dài tối thiểu 6.000 chữ.
Thông thường, kế hoạch cơ bản sẽ là: mỗi ngày 1.000 chữ, cuối tuần vẫn có thể đọc soát lỗi lại một lần rồi sau đó nộp bài đúng hạn.
Nhưng thực tế lại là, rất nhiều người, vào buổi tối cuối cùng trước khi nộp bài mới bắt đầu ngồi nặn ra bài báo cáo hơn 5000 chữ.
Vốn có thể hoàn thành bài báo cáo một cách chất lượng, nhưng lại nước chân mới nhảy, đây chính là đáng lẽ nên làm nhưng lại không làm, chính là lười!
Rất nhiều người trong chúng ta luôn miệng nói rằng mình mơ hồ, mình mất phương hướng, không biết nên làm gì, nhưng thực ra không phải như vậy.
Trên thực tế, phần lớn chúng ta, phần lớn thời gian, đều biết nên làm gì để khiến bản thân trở nên tốt hơn, biết cách làm sao để thoát khỏi sự mơ hồ, mất phương hướng.
Mỗi dịp đầu năm, chúng ta đều hùng hùng hổ hổ viết ra rất nhiều mục tiêu và cả những kế hoạch tỉ mẩn, cụ thể.
Nhưng, rất ít người có thể thực hiện chúng đến cùng. Suy cho cùng, vẫn chỉ là một chữ “lười”.
Có thể bạn cũng từng có cảm giác này: ngoài việc không có thời gian làm chính sự ra (việc nên làm), thời gian để dành cho những việc khác (ăn chơi hưởng lạc) hình như lúc nào cũng có.
Đây chính là lười, và cũng chính vì như vậy, bạn không thể tiến bộ hơn, cũng chỉ có thể trơ mắt ra nhìn người khác sống cuộc sống mà mình mơ ước.
Lương tháng hàng chục triệu có khó không?
Minh, 27 tuổi, một hậu bối ở đại học của tôi, lương tháng 50 triệu, điều đáng nói là đây không phải là thu nhập ở thành phố lớn đông đúc, mà là ở thành phố hạng 3, hạng 4.
Cậu ấy học không quá giỏi, ngoại hình cũng bình thường, cũng không có ai chống lưng, cậu ấy chỉ đơn giản là chịu được khổ, rất nỗ lực và có chí tiến thủ.
Dùng lời của cậu ấy mà nói thì là: Chỉ cần không lười, cuộc sống ắt không tệ.
Nếu hiện tại bạn cảm thấy cuộc sống không được như ý muốn, hãy tự hỏi bản thân mình xem: có phải bạn đang quá lười, không làm nhưng việc nên làm, những việc không cần thiết thì lại làm hàng ngày hay không?
Hãy nghiêm túc mà suy nghĩ.
2. Vì sao chúng ta lại lười?
Trên đời này không có ai tuyệt đối lười cả, một người cũng không có.
Khi người khác cầm khẩu sung dí vào đầu bạn rồi bảo bạn làm việc gì đó, bạn nhất định sẽ hoàn thành nó nhanh chóng hơn bao giờ hết, bởi lẽ bạn muốn sống.
Khi có ai đó bảo bạn chỉ cần đọc hết 10 cuốn sách trong một tuần, bạn sẽ có 100 triệu, khỏi cần nghĩ, bạn chắc chắn sẽ đọc hết, vì bạn muốn số tiền này.
Khi cô gái mà bạn thích bảo bạn mua cho cô ấy chai nước, dù có chạy 5km, bạn chắc chắn cũng sẽ xách mông lên mà chạy, vì bạn thích cô ấy, và bạn sẵn lòng làm điều đó.
…
Vậy mới nói, trên đời này không có người lười, chúng ta lười, bởi lẽ:
Thứ nhất, không có động lực, khao khát chưa đủ lớn.
Trong các ví dụ trên, một tuần xem hết 10 cuốn sách, mua chai nước giúp cô gái bạn thích, chúng ta sở dĩ không lười biếng trong mấy chuyện này, đó là bởi có một động lực nội tại mạnh mẽ đang thúc đẩy chúng ta.
Trong cuộc sống hàng ngày, sách nên đọc chúng ta không đọc, thứ nên học chúng ta không học, nên tập thể dục chúng ta lại nằm ì, vốn nên làm việc thì lại nước đến chân mới nhảy, tất cả những điều này đều thường là bởi vì không đủ động lực nội tại, không “có hứng”.
Thứ hai, nhận thức hạn chế dẫn đến thiếu tính tự giác và hay trì hoãn trong hành động.
Tại sao chúng ta không làm những gì chúng ta nên làm, tại sao chúng ta không có đủ động lực bên trong, lý do thường nằm ở mức độ nhận thức thấp.
Khi bạn không nhận ra rằng sức khỏe của một người trưởng thành là một loại trách nhiệm, bạn sẽ không nâng niu cơ thể của mình; khi bạn không nhận ra rằng thức khuya sẽ thực sự có thể giết chết bạn, bạn sẽ không đi ngủ sớm.
Khi bạn không nhận ra rằng đọc sách là cách hiệu quả nhất để phát triển bản thân, bạn sẽ không chủ động đọc sách; khi bạn không nhận ra rằng bạn thực sự có thể kiếm tiền bằng cách làm cho bản thân có giá trị, bạn sẽ không chủ động học hỏi và hoàn thiện bản thân…
Nhưng, một khi bạn có loại nhận thức này, khả năng thực thi sẽ được củng cố. Nhận thức càng sâu sắc, khả năng hành động càng mạnh mẽ.
Chúng ta quá lười hành động, quá lười để chịu đựng gian khổ, nhưng lại luôn muốn đạt được thành công trong một sớm một chiều. Bản chất của vấn đề là trình độ nhận thức thấp của chúng ta, đây thường là thiếu sót nghiêm trọng nhất của một người.
3. Làm sao thoát khỏi sự lười biếng?
Sự lười biếng ngăn cản chúng ta trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình và khiến cuộc sống của chúng ta trở nên ảm đạm. Làm thế nào chúng ta có thể khiến mình trở nên siêng năng và chăm chỉ hơn?
Như đã nói ở trên, lý do chúng ta lười biếng, lý do chúng ta không đủ kiên trì, đó là do trình độ nhận thức thấp.
Vì vậy, việc nâng cao trình độ nhận thức là vô cùng cần thiết, chỉ khi hiểu sâu hơn về công việc mình nên làm, bạn mới có thể chủ động thực hiện.
Nếu bạn muốn nâng cao trình độ nhận thức của mình, bạn cần phải nghe nhiều hơn, xem nhiều hơn, đọc nhiều hơn và suy nghĩ nhiều hơn.
Lắng nghe nhiều hơn tiếng nói của tất cả các bên, chấp nhận các ý kiến khác nhau; nhìn ra thế giới nhiều hơn, mở rộng tầm nhìn của bản thân; đọc nhiều sách hơn, suy nghĩ nhiều hơn, biến bản thân trở nên khôn ngoan, tri thức và trở thành một người rõ ràng, biết mình muốn muốn gì.
Đây là một quá trình đòi hỏi sự tích lũy và “kết tủa” lâu dài, nhưng nó rất đáng để bạn làm.
Khi bạn thực sự nhận ra rằng mình cần phải hành động, sức chiến đấu bùng lên thường rất đáng kinh ngạc, đó là một lý do tại sao những người xuất sắc làm việc chăm chỉ.
Tìm cách cải thiện động lực bên trong.
Gần đây, tôi thường thức dậy lúc 6 giờ mỗi sáng và chạy bộ buổi sáng với bạn bè, không nghỉ một hôm nào.
Sở dĩ tôi không lười là vì tôi không dám lười, ba người chúng tôi đã có thỏa thuận, mỗi một lần không đi sẽ bị phạt 500 ngàn.
Cải thiện động lực bên trong để làm việc gì đó thông qua tiền phạt là một trong những cách chúng ta vượt qua sự lười biếng. Đây thực sự là một kiểu tư duy có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau.
Ví dụ, nếu bạn định đọc một cuốn sách, nhưng bạn quá lười đọc nó, bạn có thể thỏa thuận với bạn bè rằng nếu bạn không đọc cuốn sách đó trong tuần này, bạn sẽ bị phạt 1 triệu.
Nói cách khác, hãy sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giám sát và trừng phạt bản thân để đi làm việc gì đó nên làm.
Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi đi mãi thì thành đường thôi, công việc cũng vậy, có làm thì mới nên được, chỉ cần bạn không lười biếng, cuộc sống của bạn nhất định sẽ không tồi!
(Vision Times)
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết