Theo nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động, cơ quan làm luật phải nghiên cứu thật kỹ nguyên nhân rút BHXH 1 lần để khi Luật BHXH được thông qua đảm bảo công bằng cho người tham gia.
Tại chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân tổ chức cuối tuần qua, phản hồi trăn trở của công nhân về việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết Bộ này đang chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH.
“Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít, trên tinh thần công bằng, chia sẻ – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Xung quanh ý kiến này, trên Báo NLĐO có bài viết: “Ồ ạt rút BHXH một lần: Quá ít lựa chọn cho người lao động” và “Ồ ạt rút BHXH một lần: Tuổi nghỉ hưu quá cao”. Các bài viết nhận được sự đồng thuận cao của đa số bạn đọc Báo Người Lao Động. Bạn đọc Nguyễn Đông Vũ bày tỏ: “Quá hay Báo đăng bài này rất chuẩn rất đúng thực trạng tâm lý người lao động”.
Còn theo bạn đọc Lâm Duy Quân, bài viết quá có cái nhìn rất đúng và có tính công bằng văn minh. “Đi làm đóng BHXH ai mà không muốn được nghỉ hưu để nhận lại số tiền mình đã đóng trước đó. Nếu tiền lương hưu hàng tháng quá ít thì ai không muốn nhận 1 lần. Mong sớm có luật sửa đổi để người lao động yên tâm”- bạn đọc này nói.
Bạn đọc Vương Trần bức xúc: “Lao động ngoài 40 tuổi có ai tuyển dụng nữa đâu mà chờ cho đủ 62 tuổi hưởng lương hưu, thôi thì rút 1 lần giải quyết cái ăn trước mắt hoặc để có số vốn nho nuôi con heo, con bò có kế sinh nhai”.
Theo số đông bạn đọc, cơ quan soạn thảo luật đang cố tình tránh né những tồn tại, bất công trong xây Luật BHXH, chứ không phải là không thấy những bất cập. NLĐ còn nhìn thấy và chỉ ra được, thì không lẽ nào các vị biên soạn học cao, hiểu rộng lại không nhìn thấy, chẳng qua là cố bảo vệ lợi ích cốt lõi của cơ quan BHXH thôi.
“Chúng tôi nhũng NLĐ là rường cột của nước nhà, là những người đem sức mình ra đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước, vậy tại sao không được hưởng những quyền lợi chính đáng một cách công bằng?
Các vị có ai trải qua cuộc sống của chúng tôi không? Lo làm việc cật lực 10 -12 h mỗi ngày, nhưng ăn uống kham khổ, nhà trọ chật hẹp, tối ngày lo vật giá leo thang, tiền xăng, tiền sách, tiền hoc phí nhảy múa, nào dịch bệnh.
Khi đến tầm 40 tuổi thì lo mất việc, lo BHXH sửa đổi sẽ không rút được 1 lần tiền mồ hôi công sức bao năm của mình để trang trải, còn chờ hưu thì lấy gì sống để chờ?” – một bạn đọc giấu tên đặt câu hỏi.
Bạn đọc Hùng Nguyễn góp ý: “Tôi hy vọng ban soạn thảo hãy ra các KCN tham khảo ý kiến NLĐ chứ đừng áp đặt. Họ là lao động chân tay, nên sức khỏe sẽ suy giảm nhiều hơn công chức nhà nước.
Nên để thời gian đóng bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, đóng đủ số năm quy định thì được hưởng lương hưu chứ không phải chờ đủ tuổi. Còn không cứ giữ cái quy định này thì NLĐ vẫ sẽ rút 1 lần vì họ không tin vào chính sách an sinh này đâu.
Tương tự, bạn đọc Công Nguyên chia sẻ: “Những ý kiến đóng góp, kiến nghị với ngành BHXH đã quá nhiều, quá đủ, thiết nghĩ Bộ LĐ-TB- XH nghiên cứu cứu soạn thảo chính sách BHXH sao cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Tiền mất giá, giá cả lạm phát, leo thang, mà cứ áp đặt cách tính lương, lương hưu cho NLĐ của công thức lỗi thời mấy chục năm về trước thì quá bất hợp lý, hỏi sao NLĐ không rút BHXH một lần”.
Cùng góc nhìn, bạn đọc Hùng Nguyễn cũng cho rằng vấn đề cốt lõi hiện nay là tuổi nghỉ hưu. Các cơ quan có thẩm quyền vẫn đang bảo thủ, lý thuyết, chưa xây dựng luật xuất phát từ nhu cầu xã hội.
Bộ Lao động Thương binh và xã hội đề xuất và bảo vệ bằng được việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ sau 1 năm đã làm bất ổn trong lĩnh vực bảo hiểm. Sai thì sửa, rất mong các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe được điều này.
Theo bạn đọc tên Tương, nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, đóng dài hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít và phải công bằng cho các khối trong và ngoài nhà nước, không nên áp dụng nguyên tắc chia sẻ trong lương hưu.
Một bạn đọc giấu tên nêu ví dụ: “Thời gian sống vàng của người lao động là từ 55- 70 tuổi. Nhưng mà 60 đến 62 tuổi mới lĩnh được lương hưu thì không ai chờ, chỉ trừ người làm công chức nhà nước. Trong khi đóng từ khi vào làm tới khi nghỉ hưu đủ 35 năm BHXH đi thì 60, 62 tuổi cũng chỉ nhận được 75%/ hệ số bình quân của lương cơ bản.
Do vậy, cần phải cải tổ lại chính sách BHXH chứ đừng rút ngắn thời gian đóng để lĩnh lương hưu. Đóng đủ mà không đủ tuổi thì cũng chỉ chờ dài cổ và cũng lại khuyến khích người đóng gần đủ năm rút 1 lần mà thôi”.
Với bạn đọc Phạm Duy Biên, giảm năm đóng BHXH không có nhiều ý nghĩa bởi vấn đề là tuổi hưu quá cao. Các cơ quan làm luật phải nghiên cứu thật kỹ nguyên nhân rút BHXH 1 lần và phù hợp với người đóng BHXH để khi luật Luật BHXH được thông qua đảm bảo công bằng cho người tham gia.
Theo một bạn đọc tên Danh, tiền đóng BHXH là tiền công sức lao động của NLĐ cho nên tối thiểu họ phải có cái quyền quyết định lấy lại số tiền đó trong mọi trường hợp.Vấn đề này cần cần hiệp thương với NLĐ và sửa chữa khẩn cấp lại quy định hưởng BHXH nam 55 tuổi nữ 50 tuổi là nhận lương hưu. Nhận 1 lần hay từng tháng là quyền quyết định của NLĐ như vậy mới thỏa đáng cho NLĐ.
Theo nhiều bạn đọc, với người lao động không thuộc biên chế nhà nước thì không nên căn cứ vào tuổi nghỉ hưu mà nên quy định số năm đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu theo tỷ lệ % .
Theo luật hiện hành cứ đóng được 20 năm thì được hưởng lương hưu 45% không phụ thuộc vào tuổi. Sau đó mỗi năm đóng tăng thêm 2% cho tới mốc tối đa 75% tính như thế thì người đóng 20 năm thì được hưởng tối đa 20 năm và kèm theo dưới luật nếu 20 năm sau khi họ đã 65 tuổi trở lên thì được hưởng tiếp tục lương hưu họ hưởng.
Bạn đọc Đại Hùng đề xuất: “Tôi nghỉ Nhà nước nên linh hoạt ai đóng đủ thời gian qui định thì được lãnh hưu nhưng với tỷ lệ hợp lý chứ, đóng đủ rồi mà chờ đủ tuổi mới được lãnh hưu thì lâu quá, chưa nói chính sách nhà nước vài năm sau lại tăng tuổi hưu,thực tế là 50 rồi lên 55 rồi lên 60 giờ là 62, mọi người sẽ chon rút một lần”.
Nam 60, nữ 55 nghỉ hưu là hợp lý
Đại biểu Nguyễn Văn Nam góp ý: “Đề nghị Quốc hội nên đứng về đại đa số người lao động là sửa đổi Luật Lao động về độ tuổi như cũ là nam giới 60 nữ giới 55 các ngành nghề độc hại nguy hiểm nghỉ sớm hơn theo như Luật cũ. Trung quốc gần 1,5 tỷ dân gấp 15 lần dân số Việt Nam họ vẫn thực hiện độ tuổi nghỉ hưu Nam giới 60 nữ giới 55. Mong Quốc hội đại diện cho nhân dân lưu tâm vấn đề này.
Tương tự, bạn đọc Ngô Bá Hương bày tỏ: “Tôi ủng hộ phương án tuổi nghỉ hưu do người lao động tự quyết định. BHXH cần sòng phẳng với người lao động đóng mức nào hưởng mức đó, đóng bao nhiêu năm hưởng bấy nhiêu năm. Không cần đợi đủ 60-62 tuổi vì có đủ sức khỏe để đợi đâu”.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết