Có thể bạn đã biết rồi hoặc chưa, tỷ lệ chia tay của các cặp đôi thường có xu hướng tăng vào các dịp lễ, đặc biệt là thời điểm giao giữa cuối và đầu năm.
Có một hiện tượng kỳ lạ thường xảy ra vào những ngày lễ. Vào thời điểm mà lẽ ra các cặp đôi phải bao quanh mình bằng tình yêu, thì nhiều người lại chia tay.
Theo nghiên cứu, có hai mùa cao điểm mà thường các cặp đôi hay nói lời chia tay. Lần thứ nhất là vào mùa xuân và lần thứ hai là hai tuần trước Giáng sinh. Nghiên cứu này dựa trên bằng chứng về thời điểm mọi người thay đổi trạng thái Facebook của họ, nhưng nhiều nhà trị liệu và chuyên gia về tình yêu khác cũng đồng ý với nhận định này.
Vậy, điều gì ở các ngày lễ khiến cho cho việc chia tay trở nên “hấp dẫn” như vậy?
Đó là khoảng thời gian cảm xúc mãnh liệt nhất trong năm
Những ngày lễ là một thời gian giàu cảm xúc với mọi người. Đó là thời gian để nhớ lại những ngày lễ trong quá khứ, những con người và sự kiện đã xảy ra trước đó và những tác nhân gây xúc động khác mà chúng ta từng có. Vì vậy, khi cảm xúc đã ở mức cao nhất, rất có thể sẽ tạo động lực cho hành động.
Những người nghĩ rằng có sự bất ổn trong mối quan hệ sẽ có xu hướng được thúc đẩy để hành động hơn khi cảm xúc dâng trào. Nó làm cho những điều nhỏ nhặt được phóng đại hơn nhiều. Bởi vì đó là thời điểm mà người ta mong muốn cảm nhận được tình yêu, sự ấm áp và hạnh phúc, nên những cặp đôi không cảm nhận được tình yêu sẽ có động lực để nói lời tạm biệt.
Một số cặp đôi cảm thấy không hạnh phúc và nghĩ rằng năm mới là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu lại việc tìm kiếm một người phù hợp hơn với mình. Những người khác có thể cảm thấy rằng bản thân không muốn trải qua một kỳ lễ trong một cuộc tình không hạnh phúc nữa.
Quà cáp ngày lễ
Chia tay với ai đó chỉ để tránh mua quà cho họ, nghe có vẻ hài hước nhưng không phải là không tồn tại – và nó có thể có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với việc chỉ tiết kiệm được một vài đồng.
Nhiều người có thể không muốn mua một món quà đắt tiền cho người mà họ thực sự không nhìn thấy tương lai. Mức độ căng thẳng đã leo thang vào thời điểm này trong năm – rất nhiều quà phải mua và các buổi đi chơi – tất cả đều có thể tạo gánh nặng cho các mối quan hệ vốn đã phải đối mặt với trục trặc.
Những suy nghĩ như “Anh ấy có xứng đáng với chiếc đồng hồ mà tôi định mua không?” , “Cô ấy sẽ ở bên mình đủ lâu để mình chi tiền mua cho cô ấy chiếc vòng đó chứ?” , sẽ dần xuất hiện. Và một khi câu trả lời là “không” thì cũng là lúc họ dần tiến thêm một bước đến việc chia tay.
Nhân tố gia đình
Các ngày lễ là thời điểm trong năm khi mọi người kỳ vọng sẽ được đưa đến giới thiệu trong các buổi họp mặt gia đình của nửa kia. Nhiều cặp đôi chọn những dịp này để ra mắt người yêu với gia đình. Và điều đó có thể tạo ra quá nhiều căng thẳng nếu chúng ta chưa chuẩn bị hoặc chưa sẵn sàng. Ngoài ra, một số buổi gặp gỡ này cũng chính là lúc cả hai nhận ra mối quan hệ của họ không thể kéo dài lâu.
Khi kết hôn với ai đó, chúng ta cũng đồng thời gắn bó cuộc đời mình với gia đình của họ. Và những ngày ra mắt bố mẹ trong dịp lễ có thể giúp các cặp đôi biết được liệu mình có thích hợp trở thành mảnh ghép của gia đình này hay không.
Trong khi đó, có một số bộ phận nhận ra rằng người yêu của họ không phải là người mà họ muốn giới thiệu với bậc phụ huynh – vì vậy họ chia tay trước khi kỳ nghỉ đến. Hoặc ngược lại, nhiều người chủ động đòi chia tay khi nhận thấy đối phương không có ý định đưa mình về ra mắt gia đình.
Việc tự nhìn lại một năm qua khiến họ nhận ra người ấy không phải là một nửa phù hợp
Khi một năm sắp kết thúc, tất cả chúng ta đều nhìn lại một năm của mình và quyết định những mục tiêu mà chúng ta muốn thực hiện cho năm mới.
Có thể một người đã quyết định rằng họ muốn có một cuộc sống tràn ngập trong những chuyến đi du lịch vào năm sau, còn nửa kia của họ thì không. Có thể họ nhận ra rằng mình muốn bắt đầu ổn định cuộc sống và lên kế hoạch cho một gia đình nhỏ còn người ấy thì không.
Đôi khi sự suy xét, nhìn ngẫm lại đó có thể khiến mọi người nhận ra rằng mối quan hệ hiện tại đã đi đến ngõ cụt.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết