Theo Politico, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các phụ tá của ông đang cảm thấy bực bội vì không thể xoay chuyển tình thế trước hàng loạt thách thức đang đè nặng lên chính quyền hiện nay.
Lạm phát toàn cầu tăng vọt. Giá nhiên liệu liên tiếp lập đỉnh. Xung đột giữa Nga và Ukraine gây bất ổn. Tòa án Tối cao sẵn sàng ra phán quyết đảo ngược quyền phá thai. Một đại dịch lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Quốc hội quá bế tắc trong việc giải quyết luật an toàn súng đạn trong bối cảnh các vụ xả súng nghiêm trọng đang diễn ra. Hàng loạt các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau đang ngày càng khiến Nhà Trắng gặp bất lợi trong mắt công chúng. Nguồn tin của Politico cho rằng tinh thần bên trong số 1600 Đại lộ Pennsylvania đã sụt giảm trước những vấn đề này.
Ông Robert Gibbs, thư ký báo chí dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận xét: “Đó là điều mà một vài tổng thống tiền nhiệm đã phải trải qua. Rất nhiều thứ xảy ra trươc mắt họ nhưng không có giải pháp nào có thể giải quyết toàn bộ các khó khăn. Những hạn chế của một nhiệm kỳ tổng thống không được nắm bắt một cách đúng đắn. Trách nhiệm của một vị tống thống nặng nề hơn nhiều so với những công cụ mà ông ấy có để giải quyết các vấn đề”.
Cánh Tây Nhà Trắng tin rằng họ vẫn có thời gian để đảo ngược tình thế. Kế hoạch là cần nêu bật những tiến bộ mà Tổng thống Biden đạt được trên con đường giải quyết các khó khăn, có thể là theo từng bước.
Tuy nhiên, trước khi đạt được những điều này, chính quyền Tổng thống Joe Biden cần phải gạt bỏ những cái “chỉ tay” đổ lỗi trong nội bộ và mối quan tâm ngày càng tăng về sự thay đổi nhân sự phía sau.
Tổng thống đã bày tỏ sự không vui khi tỷ lệ ủng hộ của ông đã giảm xuống mức thấp hơn so với người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump, người mà ông Biden từng nhận xét là “tổng thống tồi tệ nhất” trong lịch sử và là mối đe dọa hiện hữu đối với nền dân chủ Mỹ.
Sau khi kết quả thăm dò được công bố, người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates nhận xét: “Hình ảnh mô tả về Nhà Trắng hiện nay khác biệt hoàn toàn so với thực tế”.
Theo một nhân viên Nhà Trắng, ông Biden gần đây đã bày tỏ sự không hài lòng khi không nhận được báo cáo kịp thời về tình trạng thiếu sữa bột trẻ em. Tổng thống đã thực hiện hàng loạt cuộc gọi điện thoại với đồng minh để nói về sự thất vọng của ông. Những lời phàn nàn của ông được đưa ra sau những chia sẻ đau lòng của các bà mẹ trẻ vì sợ không thể cho con ăn.
Ông Biden không muốn bị coi là chậm chạp trong việc giải quyết một vấn đề ảnh hưởng đến những người thuộc tầng lớp lao động vốn thân thiết với ông ấy. Do đó, khi các trợ lý triệu tập một cuộc họp với các giám đốc điều hành công ty sữa bột, tổng thống đã công khai nói rằng ông đã không nhận được thông tin về tình trạng thiếu hụt sữa trong nhiều tuần. Một số trợ lý lo ngại khoảnh khắc này có thể khiến nhiều người đánh gia ông là một vị lãnh đạo không sát sao, đặc biệt là sau khi các CEO trong cùng cuộc họp nói rõ rằng những cảnh báo về tình trạng thiếu hụt đã được thông báo trong một thời gian.
Các thành viên thân cận với Tổng thống Biden, bao gồm đệ nhất phu nhân Jill Biden và em gái của tổng thống, Valerie Biden Owens, phàn nàn rằng nhân viên Cánh Tây đã không báo cáo thường xuyên với ông, khiến ông không thể hiện được nhiều khả năng của mình. Một người thân cận với tổng thống đã thúc đẩy những khoảnh khắc “hãy để ông Biden được là ông Biden” nhiều hơn. Bản thân tổng thống cũng đã phàn nàn rằng ông không có cơ hội tương tác đủ với cử tri. Nhà Trắng đã chỉ ra những lo ngại của cả an ninh và đại dịch COVID-19 là nguyên nhân họ phải hạn chế việc di chuyển của vị tổng thống 79 tuổi.
Adrienne Elrod, một phụ tá cấp cao trong nhóm của ông Biden, nhận xét: “Rất nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của tổng thống, chúng tôi rất thất vọng về việc này. Nhưng các đảng viên Dân chủ cần làm nhiều hơn để nhắc nhở cử tri rằng mọi thứ sẽ tồi tệ thế nào nếu đảng Cộng hoà giành quyền kiểm soát”.
Một vấn đề khác khiến khác cũng đang gây khó khăn với chính quyền Tổng thống Joe Biden là sự thay đổi nhân sự Nhà Trắng, bao gồm sự rời đi của cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng Jens Psaki cùng nhiều phó trợ lý phụ trách vấn đề truyền thông. Người kế nhiệm bà Psaki, bà Karine Jean-Pierre, được bổ nhiệm làm thư ký báo chí mới với kinh nghiệm ít ỏi và cũng không có nhiều đồng minh. Vài ngày sau khi bà Jean-Pierre được bổ nhiệm, Nhà Trắng đưa Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Johny Kirby vào danh sách ban tham mưu. Ông Kirby từng là ứng viên cho vị trí của bà Jean-Pierre nhưng ông sẽ phụ vụ trong lực lượng an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều đồn đoán khác được đưa ra về vấn đề nhân sự Nhà Trắng, khiến nhiều người đặt dấu hỏi với chính quyền Tổng thống Biden.
Ông Andrew Bates nhận xét: “Tổng thống đang hành động để giảm giá cả và ngăn chặn sự gia tăng lạm phát trên toàn cầu, dựa trên việc tạo ra việc làm chưa từng có và sự hồi sinh ngành sản xuất. Và ông ấy đang làm việc với Quốc hội để cắt giảm thâm hụt cũng các khoản chi phí mà các gia đình phải đối mặt, như năng lượng và thuốc kê đơn. Ông biết những gì gia đình đang phải trải qua những gì và đang nỗ lực giúp đỡ họ”.
Trên thực tế, nhiều công việc của tổng thống Mỹ đã nhận được đánh giá tích cực, ngay cả từ các đảng viên Cộng hoà. Tuy nhiên, phần lớn những gì Nhà Trắng có thể đạt được mới chỉ ở bên lề các vấn đề. Vẫn còn nhiều thứ ông Biden cần làm bao gồm giải quyết các vấn đề kinh tế, lạm phát, đồng thời ổn định tình hình trong nước liên quan tới luật phá thai và an toàn súng đạn.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhớ rất rõ về tiền lệ gần đây của các vị tổng thống. Trong đó, cựu Tổng thống Ronald Reagan và Bill Clinton đều đã vượt qua cuộc bầu giữa nhiệm kỳ đầu tiên khó khăn nhờ sự phục hồi kinh tế và tái đăc cử thêm nhiệm kỳ thứ 2. Tuy nhiên, những có những nhà lãnh đạo đã thất thế sau 1 nhiệm kỳ vì nền kinh tế bất ổn và lạm phát gia tăng như ông George H.W. Bush hay ông Jimmy Carter.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết