Theo luật sư, Thái là kẻ chủ mưu trong việc hành hạ và giết con, Trang là người thực hành tích cực và là kẻ trực tiếp sử dụng vũ lực giết chết cháu V.A. Do đó, Thái, Trang là đồng phạm và cùng phải chịu trách nhiệm chung.
Xét xử kín không phù hợp với quy định của pháp luật
Theo dự kiến, ngày 21/7, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê Gia Lai) về tội “Giết người” và “Hành hạ người khác”.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Hà Nội), một trong các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại chia sẻ: “Với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là cháu N.T.V.A (sinh năm 2013 – đã tử vong) trong vụ án “Giết người, Hành hạ người khác, Che giấu tội phạm”, tôi kính mong các cơ quan có thẩm quyền bằng tất cả trái tim, lương tri và pháp luật xem xét những ý kiến của luật sư, vì mục đích duy nhất góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội.
Dù kết quả như thế nào thì đó là tất cả những gì mà luật sư đã cố gắng để trợ giúp cho con, không chỉ dựa trên các quy định của pháp luật mà còn bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm xã hội nghề luật sư”.
Những kiến nghị cơ bản được luật sư Nguyễn Anh Thơm nêu ra như sau: Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử vụ án không đúng thẩm quyền theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) quy định tại khoản 3 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC. Theo quy định, vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa hình sự theo thủ tục chung được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.
Xét xử kín không phù hợp với quy định của pháp luật theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC. Bị hại là cháu N.T.V.A đã tử vong nên việc xét xử kín là chưa đúng theo hướng dẫn của TANDTC.
Mặt khác, các cơ quan tố tụng đã xác định là án điểm nên việc xử kín thì công tác tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa tội phạm sẽ không có hiệu quả và sẽ dẫn đến không đạt được yêu cầu chính trị địa phương và cả nước.
Những năm gần đây, tình trạng sử dụng bạo lực với trẻ em đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều bộ luật để bảo vệ quyền trẻ em. Đặc biệt Bộ luật hình sự mới năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018) đã có nhiều quy định mới mang tính trừng trị nghiêm khắc hơn đối với các loại tội phạm xâm hại đến quyền trẻ em.
Bởi lẽ, trẻ em thuộc nhóm người yếu thế nên việc xử lý đối với hành vi xâm hại trẻ em không chỉ nhằm trừng trị nghiêm minh người phạm tội mà còn có ý nghĩa để răn đe, phòng ngừa tội phạm đang xảy ra trong xã hội”.
Bỏ lọt Nguyễn Kim Trung Thái là chủ mưu trong vụ án Giết người?
Vụ án bé gái 8 tuổi bị cha và mẹ ghẻ hờ bạo hành dẫn tới tử vong xảy ra vào ngày 22/12/2021 ngay tại khu vực trung tâm TP.HCM đã gây rúng động trong xã hội bởi sự dã man, tàn ác chưa từng có trong lịch sử xã hội. Hành vi phạm tội của 2 đối tượng đã gây phẫn nộ trong dư luận xã hội bởi quá trình thực hiện tội phạm giết cháu bé như thời Trung cổ trong một thời gian dài.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, luật sư Thơm chia sẻ thêm: “Có rất nhiều bằng chứng trong hồ sơ vụ án chứng minh tội ác của chúng cùng chung mục đích đánh cháu có thể dẫn tới hậu quả tử vong trước ngày 22/12/2021 – là ngày Trang ở nhà trực tiếp giết cháu.
Dù ngày 22/12/2021 Thái không ở nhà nhưng Thái biết điều đó, biết hậu quả có thể xảy ra khi trực tiếp xem camera trên điện thoại của mình kết nối với phòng ngủ. Thái bỏ mặc cho Trang tự do tra tấn con gái mình dã man, tàn ác như những lần trước đó, vì Thái chính là kẻ chủ mưu, mặc nhiên để cho Trang tự do thực hiện tội ác xâm phạm tính mạng cháu bé”.
“Trong vụ án này, Thái là kẻ chủ mưu trong việc hành hạ và giết con; Trang là người thực hành tích cực, là kẻ trực tiếp sử dụng vũ lực giết chết cháu N.T.V.A. Do đó, Thái và Trang đồng phạm và cùng phải chịu trách nhiệm chung về các tội Giết người, hành hạ con là đúng với bản chất hành tội ác chúng đã gây ra thì mới đảm bảo công lý, công bằng xã hội”, luật sư Anh Thơm nêu quan điểm.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết