Liên quan vụ bé trai 3 tuổi bị mẹ khai tử khi còn sống ở Đắk Lắk, chính quyền địa phương đang làm các thủ tục để hủy giấy khai tử cho cháu bé.
Cụ thể, sáng ngày 24/5, trao đổi với PV báo Người lao động, ông Phạm Đình Trung, Chủ tịch UBND phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết sau khi tìm thấy cháu N.H.L. (SN 2019 – bị mẹ khai tử khi còn sống), hôm nay phường sẽ tiến hành các thủ tục để hủy giấy khai tử cho cháu.
Ông Trung cũng cho biết thêm, phường sẽ lập hồ sơ để xử lý người mẹ vì đã có hành vi “làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống” theo quy định pháp luật. “Sau khi hoàn tất các bước trên, phường sẽ tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan khi cấp giấy khai tử cho cháu L.” – ông Trung nói.
Về việc cơ quan chức năng chậm giải quyết vụ việc, để người nhà bức xúc kéo lên phường, ông Trung cho hay chị T.T.N.P. (SN 1990 – mẹ cháu L.) có hộ khẩu thường trú tại phường Tân An nhưng tạm trú tại phường Tân Lợi. Sau khi xảy ra vụ việc, anh Nguyễn Thế Dũng (SN 1981, cha cháu L.) làm đơn trình báo lên Công an phường Tân Lợi. Đến ngày 20/5, phường Tân Lợi mới có văn bản thông báo qua phường Tân An. Sau khi nhận văn bản, ông Trung đã chỉ đạo Công an phường Tân An phối hợp với Công an phường Tân Lợi để giải quyết.
“2 ngày sau đó, chị P. không hợp tác, trốn tránh. Đến ngày 23/5, tôi đã gọi điện động viên và chị P. đã nhận thấy sai phạm nên ra Công an phường Tân Lợi làm việc và khai báo chỗ gửi cháu L.” – ông Trung nói.
Luật sư nói gì về vụ việc?
Liên quan đến vấn đề pháp lý của sự việc, trả lời PV báo Công Lý, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng VPLS Intera, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc làm của người mẹ rất đáng lên án và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đăng ký khai tử.
Theo quy định hiện hành, khai tử là thủ tục hành chính phải thực hiện khi một người qua đời và phải được người thân thích của người chết thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có người chết theo quy định tại Điều 33 Luật Hộ tịch 2014.
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 41 Nghị định 82/2020, hành vi “làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét huỷ bỏ giấy chứng tử đã cấp đối với người còn sống.
Đối với trách nhiệm của cán bộ UBND phường Tân An trong việc cấp giấy khai tử cho người còn sống, luật sư cho rằng công chức tư pháp – hộ tịch UBND phường Tân An, cấp Giấy chứng tử cho bé N.H.L chỉ dựa vào các giấy tờ tùy thân liên quan bà P. mẹ bé mang theo mà không kiểm tra, xác minh thực tế thể hiện chủ quan tắc trách và không đúng quy định.
Theo khoản 2, Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nội dung khai tử sẽ bao gồm các thông tin sau: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ cấp xã, phường có trách nhiệm xác minh. Trường hợp cần xác minh, thời hạn giải quyết tối đa là 3 ngày làm việc.
“Bởi vậy, việc cán bộ cùng lãnh đạo phường đã chủ quan, chỉ căn cứ vào khai báo của mẹ mà thiếu kiểm tra, xác minh thực tế nên tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý, kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức”, luật sư Hòe nêu ý kiến.
Như tin đã đưa, ngày 11/5, chị P. đến UBND phường Tân An làm thủ tục khai tử cho cháu L. Chị P. khai cháu L. mất vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 4/5 do bệnh viêm phổi và chết tại nhà chứ không phải ở bệnh viện hay cơ sở y tế. Dù cháu đang còn sống nhưng UBND phường Tân An vẫn cấp giấy khai tử cho cháu L.
Chiều 23/5, sau khi hàng chục người nhà của anh Dũng tới gây áp lực, lực lượng công an mới dẫn đi tỉnh Đắk Nông và đưa cháu L. về.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết