Liên quan đến vụ phá ruộng dưa của ông Phan Văn Tôn (70 tuổi, ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An), công an đã vào cuộc điều tra và bắt giữ các đối tượng.
Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã bắt giữ 5 đối tượng phá hoại ruộng dưa của ông Phan Văn Tôn ở xã Diễn Kỷ. Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh và đoạn video clip ghi lại cảnh cụ ông ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An) nằm vật lộn, khóc ròng trên ruộng dưa hấu. Trên ruộng dưa phần lớn những quả đang độ chín bị đập vỡ nát.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Diễn Châu đã điều tra, làm rõ 5 đối tượng tuổi từ 17-18 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản gồm: Chu Văn Cường, Chu Minh Nam; Nguyễn Trọng Tấn; Nguyễn Đức Phong, Lê Trung Huấn cùng trú tại huyện Quỳnh Lưu.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi của nhóm đối tượng này thể hiện tính chất nguy hiểm, manh động, coi thường pháp luật, gây bức xúc trong xã hội. Bởi vậy việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết.
Pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân. Hành vi lén lút để lấy tài sản hoặc hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu chiếm đoạt hoặc hủy hoại tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ giá trị tài sản của từng lần từng lần mà các đối tượng này đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đối với sự việc xảy ra vào 2/7, đây là hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản là dưa hấu của ông cụ 70 tuổi. Đây là hành vi trộm cắp tài sản. Nếu tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự, trường hợp chị giá tài sản dưới 2.000.000 đồng thì các đối tượng này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập các dấu vết để lại và định giá của những quả dưa đã bị các đối tượng này lấy đi vào 2/7. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy những quả dưa bị trộm có giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 (BLHS 2015).
Tiếp đến, ngày 3/7 các đối tượng này còn có hành vi đập phá ruộng dưa của ông cụ. Đây là hành vi hủy hoại tài sản, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ giá trị những quả dưa bị đập phá. Trong trường hợp số dưa bị đập phá trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố các đối tượng này về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 (BLHS 2015).
“Nếu hành vi diễn ra trong hai ngày đều thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của hai tội danh thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố các đối tượng này về hai tội danh. Khi kết án và quyết định hình phạt thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt của hai tội danh này để xử lý đối với các đối tượng vi phạm”, luật sư Cường phân tích.
Ts.Ls Đặng Văn Cường cho rằng, cái giá của sự ngông, coi thường pháp luật của các đối tượng có thể sẽ phải đánh đổi bằng những năm tháng tù tội
Ts.Ls Cường cho rằng, các đối tượng trong vụ việc này còn rất trẻ tuổi nhưng theo quy định của pháp luật thì người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi loại tội phạm. Bởi vậy nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì các đối tượng này đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, với đối tượng chưa đủ 18 tuổi thì sẽ bị được áp dụng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội. Do vậy, hình phạt trong trường hợp bị kết án sẽ không quá ¾ mức hình phạt đối với người đã thành niên.
“Vụ việc này sẽ là bài học cho những thanh niên đua đòi, đàn đúm bạn bè, thiếu ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức. Cái giá phải trả có thể sẽ là những năm tháng tù tội. Các bậc phụ huynh, những người làm cha làm mẹ cần phải quan tâm hơn nữa trong việc giáo dục và quản lý con cái. Qua vụ việc này, có lẽ các vị phụ huynh cũng sẽ rất đau lòng đối với hành vi của con mình gây ra”, Tiến sĩ Cường chia sẻ.
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b)Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết