Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, nguyên nhân của Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ đưa ra là thiếu thuyết phục, không rõ ràng nên không chấp nhận được.
Nguyên nhân thiếu thuyết phục
Ngày 2/8, ông Trần Đức Lợi – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, hiện huyện này đã yêu cầu Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ phải báo cáo lại nguyên nhân liên quan đến vụ sụt lún, nứt nẻ nhà dân, giếng nước cạn trơ đáy xảy ra trong suốt thời gian dài trên địa bàn xã Châu Hồng.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng trên mà Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ báo cáo huyện Quỳ Hợp 1 ngày trước thiếu thuyết phục, không rõ ràng.
“Huyện không chấp nhận kết quả khảo sát của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ đã đưa ra.
Họ đưa ra nguyên nhân sụt lún, nứt nẻ nhà dân là do tụt nước ngầm, nhưng tụt nước ngầm do đâu thì không đưa ra được. Kết luận như thế là không rõ ràng, thiếu tính thuyết phục“, ông Trần Đức Lợi chia sẻ.
Trước đó 1 ngày, huyện này đã có buổi họp để nghe Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ báo cáo kết quả khảo sát, xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún sau 2 tháng dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau.
Cụ thể, sau quá trình sử dụng nghiệp vụ, thực hiện bằng nhiều phương pháp như: khảo sát địa mạo địa chất thủy văn, công tác trắc địa, quan trắc thủy văn, phương pháp địa vật lý và khoan thăm dò, hiện đơn vị này đã xác định được 6 nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
Nguyên nhân đầu là do địa hình địa mạo tại các xã này khá phức tạp dẫn đến chế độ thủy văn nước mặt và nước ngầm bị ảnh hưởng.
Tiếp đó là cấu trúc địa chất có nhiều hang động cát tơ, nhiều hang đá trầm tích bở rời hệ Đệ tứ, tạo nên lớp chứa nước không áp lực. Cùng với đó điều kiện thời tiết biến đổi bất thường đã tác động mạnh mẽ của tầng chứa nước áp lực trong đới karst đã phá vỡ lớp sét cách nước nên dẫn đến sụt lún đất, nứt nẻ nhà cửa.
Sau khi nghe báo cáo, UBND huyện Quỳ Hợp đề nghị Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ cần nghiên cứu kỹ hơn, xác định cụ thể hơn nguyên nhân dẫn đến sụt lún, nứt nẻ nhà cửa.
Dù đã xác định nguyên nhân gây sụt lún là do tụt nước ngầm, nhưng nguyên nhân dẫn đến tụt nước ngầm thì đơn vị này vẫn chưa xác định được.
Cũng theo ông Lợi, nếu kết luận là do tụt nước ngầm gây sụt lún thì cách đây hơn 1 năm, trong báo cáo của huyện đã chỉ ra được nguyên nhân này. Giờ huyện cần một kết luận có tính khoa học, rõ ràng để trả lời dư luận, nhân dân nên mới thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ về khảo sát.
Hiện lãnh đạo huyện Quỳ Hợp đã yêu cầu Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ báo cáo lại cho huyện trước ngày 10/8.
Được biết, trước đó huyện Quỳ Hợp đã ký hợp đồng thuê Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ khảo sát, điều tra nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún nói trên với kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Hàng trăm nhà dân nứt nẻ sụt lún, gần 300 giếng nước cạn trơ đáy
Theo báo cáo, trong suốt 2 năm qua, tại một số bản của xã Châu Hồng (Quỳ Hợp, Nghệ An) liên tiếp xuất hiện hiện tượng sụt lún đất đai, xuất hiện hố tử thần, ruộng vườn, nhà cửa, giếng nước bị khô cạn.
Tính đến tháng 4/2022, xã Châu Hồng có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần”. Nhiều trường học, trạm y tế, trụ sở xã trên địa bàn cũng bị tình trạng tương tự.
Xã Châu Hồng là một thung lũng, được Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác nhiều mỏ đá trắng, 2 mỏ quặng thiếc. Trong quá trình khai thác, có doanh nghiệp lắp đặt hệ thống bơm hút nước trong hang cát tơ dưới lòng đất sâu hàng trăm mét để công nhân tiếp xúc với vỉa quặng khai thác. Vị trí mỏ gần nhất cách khu dân cư khoảng 500m.
Sau khi xảy ra tình trạng nhà dân nứt nẻ, sụt lún, hàng trăm giếng nước cạn trơ đáy, ngày 29/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đại diện các Sở, ban ngành liên quan đã trực tiếp về hiện trường kiểm tra.
UBND tỉnh Nghệ An sau đó giao UBND huyện Quỳ Hợp chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tạm dừng ngay các hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm của các dự án liên quan trên địa bàn xã Châu Hồng. Tăng cường kiểm tra, theo dõi và có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Được biết, sau khi dừng khai thác nước ngầm trên địa bàn xã Châu Hồng, 300 giếng nước trên địa bàn xã đã có nước trở lại. Các nhà dân cũng không còn tình trạng bị sụt lún, nứt nẻ mới.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết