Khi chưa có gì trong tay, bạn càng cần phải tỉnh táo nhận ra “tư duy của người giàu” là điều chúng ta nên học hỏi chứ không phải những nguyên tắc cần áp dụng ngay lập tức.
Đối mặt với xã hội rộng lớn và phức tạp, nhiều người thường cảm thấy bối rối và bất an bởi địa vị của họ thực sự nhỏ bé, khả năng cũng có hạn. Xã hội thay đổi từng ngày theo sự phát triển của khoa học và công nghệ, sự cạnh tranh giữa người với người vì thế cũng ngày càng khốc liệt hơn.
Mỗi người đều có xuất phát điểm khác nhau, có người sinh ra đã có tất cả nhưng cũng có người chẳng có gì trong tay. Khi đó chúng ta phải hiểu rằng không ai kiểm soát hay thay đổi được người khác, nhưng có thể học cách kiểm soát bản thân, nỗ lực tiến về phía trước.
1. Tập trung vào điểm mạnh của mình
Một diễn viên Trung Quốc nổi tiếng với những bộ phim võ thuật khi được hỏi về việc cân nhắc chọn những bộ phim không có yếu tố hành động, anh đã trả lời: “Ở cửa hàng bánh bao ngon nhất, bạn không thể mua được chiếc pizza hay hamburger ngon nhất… Trong xã hội hiện nay, chuyên môn hóa mang lại thành công. Tôi biết mình là diễn viên nổi danh nhờ hành động, và tôi sẽ không thử thể loại khác vì không có ai là toàn năng”.
Trên thực tế, không phải ai cũng có thể làm tốt được tất cả mọi việc. Thế nhưng nhiều người lại luôn đặt ra quá nhiều mục tiêu để làm trong một khoảng thời gian ngắn, dẫn đến năng lượng bị phân tán, khó tập trung và sẽ chỉ dẫn đến thất bại.
Vậy nên hãy tìm kiếm một lĩnh vực, một công việc mà bạn có thể tập trung và chăm chỉ để trở thành một chuyên gia. Những người thông minh luôn làm những gì họ giỏi. Khi đó bạn sẽ có lợi thế riêng nổi bật, thay vì loay hoay trong cả đống mục tiêu từ năm này qua năm khác mà chưa thể thực hiện xong.
2. Kiên nhẫn, nói không với nỗ lực nửa vời
Khi đã tìm ra con đường mà bạn muốn theo đuổi là lúc bạn cần xác định thành công không đến ngày một ngày hai mà đòi hỏi bạn sự nỗ lực không ngừng. Kiên nhẫn là nền tảng của mọi thứ. Khi chưa có gì trong tay, bạn càng phải học cách nhẫn nãi.
Dù đó là một quá trình không dễ dàng, nhưng cũng giống như sâu bướm, nếu không trải qua quá trình đau đớn làm sao chúng trưởng thành, hóa những con bướm rực rỡ sắc màu?
Quan trọng nhất là việc khi bạn có ý định làm một việc gì đó, từ học tiếng Anh, thi lấy chứng chỉ, đọc sách,… bạn cần phải lên kế hoạch và thực hiện nó một cách nghiêm túc, thay vì chỉ nghĩ trong đầu hoặc làm được một thời gian rồi ngừng lại.
Điều đó càng làm bạn rơi vào trạng thái “nỗ lực ảo”, mua rất nhiều sách nhưng chẳng đọc, chứng chỉ mãi không lấy được và kỹ năng ngoại ngữ cũng chẳng cải thiện thêm chút nào.
3. Càng ít tiền càng không thể keo kiệt
Điều này không có nghĩa là tiêu tiền phung phí, mà một người càng có ít tiền thì càng phải chi nhiều tiền hơn cho những thứ hữu ích với mình. Đầu tư vào bản thân trước tiên, từ việc ăn mặc gọn gàng, tươm tất, mọi người hay cấp trên sẽ luôn có ấn tượng tốt về bạn.
Đừng ngại bỏ tiền cho những thứ mang lại tri thức như sách hay các khóa học có ích cho chuyên môn. Làm giàu trí óc là bước đầu tiên trong quá trình làm giàu cho ví tiền. Chắc chắn sẽ có lúc kiến thức bạn học được trong suốt quá trình đó có ích cho sự nghiệp hay cuộc sống của bạn.
Một chàng sinh viên dù không quá dư dả nhưng bạn bè gặp khó khăn về tài chính, anh đều sẵn sàng giúp đỡ hết sức mình. Khi sự nghiệp của anh gặp trở ngại, những người anh từng giúp đỡ năm nào đều sẵn sàng hỗ trợ anh bằng nhiều cách khác nhau.
Nếu không thể hào phóng tiền bạc, đừng keo kiệt sự quan tâm. Khi giúp đỡ người khác, bạn cũng đang tích lũy vận may cho chính mình. Và những “may mắn” có thể đưa bạn vượt qua khó khăn sau này có thể chính là những người bạn từng giúp đỡ.
4. Đừng để “tư duy làm giàu” hủy hoại bạn
Nhiều người cho rằng sở dĩ họ chưa giàu phần lớn là do họ chưa có tư duy của một người giàu. Nhưng thực tế, suy nghĩ của người giàu không phải là lý do duy nhất để một người trở nên giàu có, đôi khi quá tin vào suy nghĩ của người giàu sẽ hủy hoại bạn.
Ví dụ một tư duy phổ biến của người giàu chính là dùng tiền mua thời gian. Nhưng trên thực tế thứ mà hầu hết mọi người thiếu là tiền. Hay nhiều người vẫn cho rằng EQ quan trọng hơn IQ, giao tiếp xã hội quan trọng hơn năng lực của bạn. Chính vì suy nghĩ này mà không ít người trẻ chỉ tập trung xây dựng các mối quan hệ, trau dồi trí tuệ cảm xúc mà bỏ qua tầm quan trọng của năng lực.
Trên thực tế, hai khía cạnh này cần phải bồi đắp như nhau, không thể so sánh điều gì quan trọng hơn. Nhất là tại môi trường làm việc chúng ta vẫn luôn nhìn vào thành tích, kết quả dựa trên khả năng của mỗi người.
Tư duy của người giàu là thứ chúng ta cần học hỏi, nhưng khi bạn chưa có gì trong tay, việc áp dụng chúng một cách máy móc sẽ làm bạn càng mất thêm tiền.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết