Sự kiện gây lo ngại nhất trong ngày thứ 9 của chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành tại Ukraine là đám cháy lớn ở Nhà máy Điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Tổ chức Thanh tra nhà nước về tuân thủ hạt nhân Ukraine cho hay nhà máy Zaporizhzhia hiện đã rơi vào tay lực lượng Nga. May mắn là không có thương vong, các nhân viên tiếp tục làm việc và nhà máy vẫn an toàn, nồng độ phóng xạ trong khu vực không thay đổi.
Dù vậy, cơ quan trên cảnh báo việc thất thoát nhiên liệu hạt nhân làm lạnh có thể dẫn tới sự cố vượt xa mọi thảm họa hạt nhân trước đây, bao gồm tại 2 nhà máy Chernobyl (hiện do Nga kiểm soát) và Fukusima-Daichi (Nhật Bản).
Thông báo của giới chức Ukraine được xác nhận bởi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm – theo báo The Guardian (Anh).
Phía Ukraine cho hay đám cháy lớn bùng phát sau khi nhiều xe tăng và bộ binh Nga tấn công thị trấn Enerhodar, cách nhà máy Zaporizhzhia vài km, rạng sáng 4-3. Phải mất ít nhất 4 giờ đám cháy mới được dập tắt và phía Ukraine tố cáo binh lính Nga ngăn các đội cứu hỏa vào chữa cháy.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhanh chóng kêu gọi châu Âu giúp đỡ. Cáo buộc Nga là “kẻ khủng bố hạt nhân đầu tiên trong lịch sử nhân loại”, ông Zelensky nhấn mạnh: “Châu Âu phải tỉnh dậy ngay… Phải dừng quân đội Nga lại. Ukraine có 15 đơn vị hạt nhân. Chỉ cần một vụ nổ là tất cả chúng ta sẽ chấm hết”.
Theo Tổng thống Ukraine, trong thảm họa Chernobyl, một đơn vị hạt nhân đã phát nổ trong khi ở Zaporizhzhia có tới 6 đơn vị như vậy.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định thủ phạm tấn công nhà máy Zaporizhzhia là những kẻ phá hoại người Ukraine và gọi đây là “sự khiêu khích ghê tởm”. Theo hãng tin Bloomberg, Zaporizhzhia là nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu, tại đây đặt 6 lò phản ứng 950 MW do Liên Xô xây dựng từ năm 1984-1995.
Mối đe dọa hạt nhân này xảy ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt lực lượng hạt nhân vào tình trạng cảnh báo cao trong khi Belarus cho phép triển khai vũ khí hạt nhân trở lại. Những diễn biến mới nói trên có thể thổi bùng ngọn lửa xung đột.
Trước thềm cuộc họp bất thường của các bộ trưởng ngoại giao NATO ngày 4-3, khi được hỏi về việc lập vùng cấm bay bên trên Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Mélanie Joly cho hay Canada muốn NATO thảo luận mọi kịch bản nhằm cô lập Nga.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Romania Bogdan Aurescu nêu rõ NATO phải thích ứng với hoàn cảnh quân sự mới, khi quân đội Nga đang có mặt ở Ukraine và Belarus. Romania sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ 2% lên 2,5% GDP. Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkēvičs còn nói NATO cần “cân nhắc mọi phương án” khi được hỏi về việc tham chiến trực tiếp với Nga.
Cứng rắn không kém, Tổng thống Vladimir Putin một ngày trước đó khẳng định chiến dịch quân sự ở Ukraine “theo đúng kế hoạch”, đồng thời nhấn mạnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng Moscow “sẽ tiếp tục cuộc chiến không khoan nhượng với các nhóm vũ trang dân tộc chủ nghĩa”.
Cùng ngày, Tổng thống Zelensky kêu gọi người đồng cấp Nga đàm phán trực tiếp để chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Trong khi đó, vòng đàm phán thứ hai giữa 2 phái đoàn Nga và Ukraine ở Belarus hôm 3-3 chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Thay vào đó, hai bên đồng ý sẽ lập các hành lang nhân đạo và có thể ngừng giao chiến tạm thời tại một số địa điểm nhất định để dân thường sơ tán – theo cố vấn của tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak. Thực phẩm và thuốc men sẽ được chuyển đến những nơi đang xảy ra giao tranh ác liệt nhất. Dự kiến vòng đàm phán thứ 3 sẽ diễn ra vào tuần tới.
Theo Người Lao Động