Giới phân tích cho rằng có 3 yếu tố quan trọng quyết định thành bại đối với cuộc phản công của Ukraine.
Chiến sự vẫn diễn ra trên hầu khắp các khu vực tiền tuyến Ukraine, đặc biệt ở Kherson, miền Nam nước này vào hôm nay (31/8) sau khi Ukraine tiến hành cuộc phản công lớn, đánh dấu sự khởi đầu của nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các khu vực đã rơi vào tay Nga.
Theo các nhà phân tích, cuộc phản công diễn ra sau khi cả Nga và Ukraine tập trung binh lực cũng như vật lực xung quanh thành phố Kherson trong những tuần qua.
Trong khi cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo nước ngoài Ukraine Nikolai Malomuzh mô tả cuộc phản công như một bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến và cho rằng Kiev nhiều khả năng sẽ thành công thì các nhà quan sát phương Tây lại khá dè dặt khi đưa ra đánh giá về triển vọng của Ukraine.
Trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/8, các quan chức Mỹ mô tả cuộc tấn công mới này chỉ là “sự gia tăng hỏa lực” bởi vài tuần qua, Ukraine cũng đã thực hiện một số động thái tương tự.
Đánh giá này đã được Bộ Quốc phòng Anh ghi nhận trong bản cập nhật về tình hình chiến sự Ukraine ngày 30/8, trong đó, khẳng định họ “vẫn chưa thể xác nhận những bước tiến lớn của Ukraine”.
Tuy vậy, tất cả đều có chung nhận định là cuộc tấn công của Ukraine sẽ Nga buộc phải tập trung vào phòng thủ, giảm bớt tần suất tấn công.
Một số người cho rằng, mặc dù đây không phải bước ngoặt làm đảo chiều cuộc chiến đã bước sang tháng thứ 7 gây tổn thất nặng nề cho cả hai phía, nhưng nó cho thấy không chỉ riêng Nga mà Ukraine hiện giờ cũng muốn giành thế chủ động.
Việc thực hiện cuộc phản công là một quyết định quan trọng đối với Ukraine, để làm được điều đó Kiev nhiều khả năng sẽ phải chấp nhận tổn thất lớn về người và của.
Những yếu tố quyết định cuộc phản công của Ukraine
Giới phân tích cho rằng có 3 yếu tố quan trọng quyết định thành bại đối với cuộc phản công của Ukraine.
Thứ nhất là sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây – vốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với nỗ lực quốc phòng của Ukraine.
Theo dữ liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kile, đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã cung cấp cho Kiev 13 tỷ USD viện trợ quân sự, tiếp theo là Anh với khoảng 3,4 tỷ bảng Anh và Liên minh châu Âu với 2,5 tỷ euro.
Không thể phủ nhận các loại vũ khí mà Mỹ và châu Âu cung cấp cho Ukraine đã giúp nước này làm chậm bước tiến của Nga ở phía Đông và tạo tiền đề cho cuộc phản công ở phía Nam.
Nhưng vẫn chưa rõ nỗ lực viện trợ của phương Tây kéo dài bao lâu do những thách thức và chi phí đi kèm, khi xung đột Nga-Ukraine được đánh giá là cuộc chiến tiêu hao và chưa thấy hồi kết.
Thứ hai là các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Một nghiên cứu gần đây của các học giả tại Đại học Yale cho thấy, các lệnh trừng phạt đã làm tổn thương nền kinh tế Nga nhưng không thể đạt mục đích phương Tây mong muốn.
Tuy vậy, chúng đã cản trở khả năng của Nga trong việc sản xuất và sửa chữa các loại vũ khí tiên tiến do Moscow không thể nhập khẩu một số linh kiện quan trọng từ nước ngoài. Do đó, dòng chảy vũ khí của Nga ra chiến trường sẽ bị hạn chế phần nào.
Thứ ba là năng lực quân sự của Nga. Dù Nga đã chịu tổn thất đáng kể trong các cuộc giao tranh suốt 6 tháng qua, nhưng họ vẫn chiếm ưu thế áp đảo về pháo binh và quân số so với Ukraine.
Chuyên gia Konrad Muzyka từ Rochan Consulting, công ty chuyên theo dõi cuộc xung đột Nga – Ukraine cho biết, cách đây một tháng, Nga triển khai 13 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) ở Kherson, nhưng con số này giờ đây có thể tăng lên 25 đến 30 BTG, mỗi BTG có 600-800 quân.
“Tôi cho rằng Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội phản công thuận lợi nhất. Hiện giờ họ không có đủ nhân lực để cân bằng quân số với Nga”.
Viễn cảnh nào cho Kherson?
Bất chấp những đánh giá lạc quan từ các quan chức Ukraine, viễn cảnh Kherson đổi chủ mà không có một trận chiến lớn dường như là điều xa vời. Phát biểu với Newsweek, chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin cho biết:
“Ukraine không thể khiến các lực lượng Nga từ bỏ Kherson một cách dễ dàng. Hiện tại Nga đã cung ứng đủ cho các đơn vị đồn trú ở đây. Ngay cả khi tất cả các cây cầu quanh Kherson bị phá hủy thì Nga vẫn có những cây cầu phao để duy trì các cứ điểm của mình ở hữu ngạn con sông”.
Trước đó các lực lượng Nga đã dành nhiều thời gian để củng cố tuyến phòng thủ bên trong và xung quanh Kherson. Ông Shurygin lưu ý, cách duy nhất để Ukraine đẩy lùi Nga ra khỏi thành phố là tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo hạng nặng tương tự như cách mà Nga đã sử dụng ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.
Nhưng để làm điều đó Ukraine sẽ cần số lượng binh sỹ và pháo binh nhiều gấp 3 lần so với hiện tại.
“Nếu kế hoạch của Ukraine là cô lập và bao vây quân đội Nga cho đến khi họ kiệt quệ và tự nguyện rời bỏ Kherson thì chắc chắn họ sẽ thất bại”, nhà phân tích này nhấn mạnh.
Còn nhà phân tích George Barros tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ cho rằng, cuộc tấn công của Ukraine ngày 29/8 đơn giản chỉ là giai đoạn mở đầu của một chiến dịch bao gồm nhiều cấp độ tác chiến cơ động.
“Cuộc tấn công này của Ukraine là một yếu tố quan trọng, nhưng vẫn chỉ là giai đoạn thiết lập các điều kiện ban đầu. Các giai đoạn sau sẽ rất khó dự đoán. Nếu từ 6 đến 8 tuần nữa mà chúng ta vẫn chưa chứng kiến hoạt động tấn công trên bộ của Ukraine thì tôi có quyền nghi ngờ thành công của họ”.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết