Ngày 15.9, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) cảnh báo đang có hiện tượng gia tăng đột biến trẻ nhập viện do mắc Adenovirus (vi rút Adeno).
Tính đến ngày 12/9/2022, tổng số ca nhiễm Adenovirus được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn cả năm 2021 và tăng hơn 44,1% so với cùng kỳ, trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhi tử vong có nhiễm virus Adeno.
Chỉ tính riêng trong tuần từ 5 – 11/9, bệnh viện đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với Adenovirus, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.
Tình trạng này hiện đang khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Đặc biệt là thông tin liệu Adenovirus có phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn?
Adenovirus là gì?
Ngày 15/9, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết Adenovirus chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó hơn 50 type gây bệnh ở người và có thể gây bệnh nhiều cơ quan trong cơ thể.
Các tổn thương thường gặp nhất do Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn), viêm bàng quang, viêm não màng não… Bệnh do Adenovirus xuất hiện quanh năm, phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa.
Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, qua hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng 8-12 ngày.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và nhóm người, trẻ em hay mắc ở độ 6 tháng đến 5 tuổi. Trong đó, trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do sức đề kháng kém.
Triệu chứng điển hình khi nhiễm Adenovirus
Triệu chứng khi nhiễm Adenovirus ở mỗi người có thể khác nhau tùy vào khả năng miễn dịch và tình trạng sức khỏe hiện tại. Nguy hiểm nhất là trẻ sơ sinh, người vừa ghép nội tạng, người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch có thể cùng lúc xuất hiện nhiều triệu chứng lâm sàng chồng chéo.
Các triệu chứng đặc trưng cho tổn thương hô hấp và nội tạng do Adenovirus bao gồm:
Viêm họng cấp
Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, triệu chứng bao gồm: sưng họng, đau đầu, sốt, chảy dịch mũi, ho,… Vi khuẩn dễ phân tán ngoài không khí qua giọt bắn hô hấp từ người bệnh nên trẻ nhiễm bệnh dễ lây lan sang các trẻ khác. Triệu chứng bệnh thường kéo dài từ 7 – 14 ngày, nhiều trường hợp triệu chứng nặng gây nguy hiểm cho trẻ.
Viêm đường hô hấp cấp
Triệu chứng tương tự như viêm đường hô hấp cấp do virus hay vi khuẩn khác như: sưng họng, đau họng, sưng đau hạch cổ, sốt cao có thể lên đến 39 độ C. Triệu chứng bệnh diễn biến khá nhanh trong khoảng 3 – 4 ngày, cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh.
Viêm họng kết mạc
Viêm họng kết mạc do Adenovirus thường đi kèm với triệu chứng viêm kết mạc kết hợp như: mắt đỏ, chảy nhiều dịch trong,… Bệnh thường gặp nhất vào mùa hè khi vi khuẩn lan qua không khí hoặc lây bệnh qua nguồn nước ở hồ bơi.
Viêm phổi
Viêm phổi là một trong những bệnh nặng do Adenovirus gây ra ở trẻ nhỏ, triệu chứng đột ngột nguy hiểm như: sốt cao, ho, tổn thương ở phổi gây ảnh hưởng đến hô hấp hoặc di chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong. Có đến 8 – 10% trẻ mắc bệnh tử vong do biến chứng của viêm phổi do Adenovirus không được điều trị kịp thời.
Viêm dạ dày, ruột
Một số type Adenovirus có thể gây viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính. Người bệnh sẽ có triệu chứng cấp tính gồm: đi ngoài ra nước kéo dài nhiều ngày, sốt, buồn nôn, nôn mửa, các dấu hiệu viêm kết mạc và viêm đường hô hấp. Trong trường hợp này, Adenovirus tồn tại trong phân người bệnh và lây lan ra cộng đồng.
Bệnh lý khác
Adenovirus có thể là nguyên nhân gây viêm bàng quang ở trẻ em, gây đi tiểu ra máu thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ trai. Ngoài ra ở niệu đạo và tử vong phụ nữ, Adenovirus tồn tại và có thể lây truyền qua đường tình dục.
Không phải tất cả trường hợp nhiễm Adenovirus đều gây bệnh, nhiều người không có biểu hiện triệu chứng gì nhưng vẫn có thể lây lan virus cho cộng đồng. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do Adenovirus, do vậy nếu phát hiện triệu chứng cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Adenovirus có phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn?
Theo The Lancet (tạp chí Y khoa của nước Anh), virus Adeno đã trở thành tâm điểm trong cuộc điều tra nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn. Khoảng 70% trường hợp người bệnh viêm gan bí ẩn có kết quả dương tính với virus Adeno.
Adenovirus là nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh nhẹ ở đường hô hấp. Trước đây, virus này có liên quan tới viêm gan ở các bệnh nhi suy giảm miễn dịch, gần đây là ở người bệnh trưởng thành bị suy giảm miễn dịch. Một số giả thuyết đã được đưa ra về việc virus Adeno đã thay đổi cách thức sinh bệnh học để gây ra bệnh viêm gan ở trẻ em khỏe mạnh. Sự suy giảm miễn dịch ở trẻ do không tiếp xúc với mầm bệnh trong đại dịch COVID-19 đã khiến nhóm bệnh nhi này dễ bị nhiễm virus Adeno hơn.
Một giả thuyết khác được đưa ra là tình trạng nhiễm trùng hoặc đồng nhiễm trước đó với SARS-CoV-2, hoặc tiếp xúc thường xuyên với các độc tố, thuốc, hoặc yếu tố môi trường đã làm thay đổi phản ứng của vật chủ đối với việc nhiễm virus Adeno. Các kết quả gần đây cho thấy chủng virus Adeno mới có khả năng gây bệnh gan nặng ở trẻ em. Trong đó, nghi phạm hàng đầu gây bệnh được cho là Adenovirus type 41.
Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), 18 trường hợp mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở nước này đều có liên quan tới Adenovirus type 41. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus Adeno là tác nhân chính gây bệnh viêm gan bí ẩn. Để có kết luận chính xác hơn về nguyên nhân gây bệnh, các chuyên gia vẫn cần thêm thời gian để theo dõi và nghiên cứu kỹ càng hơn.
Trước đó, nhiều thông tin cho rằng nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn có liên quan vaccine COVID-19. Tuy nhiên, nghi ngờ này đã được loại bỏ. Vì phần lớn bệnh nhi viêm gan bí ẩn đều không phải là đối tượng phù hợp được tiêm vaccine COVID-19.
Điều trị và phòng ngừa virus Adeno như thế nào?
– Điều trị: Điều trị bệnh do virus Adeno thường là điều trị triệu chứng. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus này gây ra.
– Phòng bệnh: Vaccine chứa Adenovirus sống type 4 và 7 thường được dùng theo đường uống, dạng 1 viên nang tan trong ruột. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa phần lớn bệnh do hai chủng này gây ra. Tuy nhiên, thuốc này chỉ được dùng cho quân nhân.
Cách phòng tránh lây nhiễm Adenovirus
Hiện nay, Adenovirus cũng như các loại virus khác chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, việc phòng bệnh rất quan trọng. Để hạn chế sự lây lan của virus này, tất cả mọi người cần ghi nhớ và thực hiện tốt các việc sau:
Trong sinh hoạt hàng ngày cần dùng nguồn nước sạch, đảm bảo đã được khử trùng.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần áo,…
Giữ cho không gian ở luôn sạch sẽ, thoáng mát.
Khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm Adenovirus cần chú ý:
Sát trùng các đồ dùng cá nhân của bệnh nhân khi mắc bệnh.
Đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm virus.
Không sử dụng chung bát, thìa, cốc, chén,… với bệnh nhân khi đang mắc bệnh.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết