Trong bài viết này, các chuyên gia tiết lộ những sai lầm phổ biến gây hại sức khỏe mà ngay cả những người khỏe mạnh nhất cũng có thể mắc phải.
Hầu hết chúng ta đều biết rằng hút thuốc, uống nhiều rượu bia và ăn nhiều đồ ăn vặt có thể gây hại sức khỏe. Nhưng ngoài ra, còn có nhiều thói quen xấu khác dù rất nhỏ những có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Tiến sĩ, bác sĩ Akash Patel, làm việc tại phòng khám tư nhân MyHealthcare Clinic ở Anh, nói với The Sun: “Ai ai trong chúng ta cũng muốn chăm sóc sức khỏe của mình nhưng đôi khi không biết phải làm thế nào để đạt được mục tiêu đó”.
“Chúng ta nên ăn những loại thực phẩm nào, nên hoạt động ra sao, nên có lịch trình sinh hoạt thế nào… Có rất nhiều điều chúng ta cần phải tìm hiểu và cập nhật mỗi ngày nhưng vì cuộc sống bận rộn nên điều này không hề dễ dàng”, tiến sĩ Patel nói thêm.
Theo các chuyên gia, dưới đây là 9 sai lầm nhiều người đang làm mỗi ngày mà không biết có thể gây hại cho sức khỏe:
1. Ngồi quá nhiều
Ngồi quá nhiều có thể dẫn đến tăng cân, bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2…
Tiến sĩ Patel cho biết đại dịch Covid-19 khiến nhiều người ít vận động hơn, đặc biệt nếu họ làm việc ở nhà và không di chuyển ra ngoài thường xuyên.
Ông nói: “Một số chuyên gia tin rằng ngồi quá nhiều làm chậm quá trình trao đổi chất, qua đó ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh huyết áp và đường huyết của cơ thể, đồng thời có thể khiến xương yếu hơn”.
Nếu bạn nhận thấy mình đang ngồi gần như cả ngày, hãy cố gắng đi bộ nhiều hơn. Bạn có thể kết hợp đi bộ vào thói quen hằng ngày, chẳng hạn như đi bộ đi làm, đi bộ 20 phút sau giờ ăn trưa.
2. Đánh răng sai thời điểm
Nha sĩ luôn nhắc nhở bạn nên đánh răng hai lần một ngày. Nhưng ngoài điều này ra, bạn cũng cần lưu ý đến thời điểm đánh răng.
Bác sĩ Honar Shakir đến từ công ty nha khoa Banning Dental Group tại Anh cho biết: “Đánh răng ngay sau khi ăn các loại thực phẩm có tính axit như cà phê hoặc nước cam có thể gây hại cho men răng. Miệng của bạn cần thời gian để sản xuất nước bọt nhằm trung hòa axit… Hãy cố gắng đợi ít nhất 30 phút sau khi ăn thực phẩm hoặc đồ uống có tính axit rồi mới đánh răng”.
Tiến sĩ Shakir cho biết thêm một sai lầm phổ biến khác là đánh răng quá mạnh.
“Đánh răng quá mạnh có thể dần dần làm xói mòn men răng và dẫn đến tổn thương nướu”, ông cảnh báo.
“Bạn nên giữ bàn chải đánh răng ở góc 45 độ so với nướu, di chuyển bàn chải nhẹ và đảm bảo toàn bộ răng được làm sạch”.
3. Không thay bàn chải đánh răng
Bạn có nhớ lần cuối mình thay bàn chải đánh răng là khi nào không?
Các nha sĩ khuyên bạn nên thay bàn chải đánh răng ít nhất sau 12 đến 16 tuần sử dụng.
Bác sĩ Shakir cho biết: “Theo thời gian, lông bàn chải bị mòn và xòe ra hai bên, có nghĩa là chúng khó có thể làm sạch những nơi khó tiếp cận hơn như kẽ răng”.
“Vi trùng cũng có thể trở thành một vấn đề khi bàn chải đánh răng đã được sử dụng quá lâu và điều này có thể dẫn đến bệnh tật”.
4. Cả năm không dùng chống nắng
Kem chống nắng không chỉ dành cho mùa hè. Cho dù là mùa nào thì ánh nắng mặt trời vẫn xuyên qua mây và chạm tới làn da của bạn.
Sam Cinkir, giám đốc điều hành của công ty chuyên về da và tóc Este Medical Group, Anh, cho biết: “Ung thư da là một mối đe dọa thực sự đối với những người không sử dụng kem chống nắng phù hợp, ngay cả khi trời lạnh và mưa”.
“Tia UV từ mặt trời có quanh năm và có thể gây tổn thương da vĩnh viễn. Da bạn càng ‘cháy’, nguy cơ ung thư da càng cao”.
“Bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 50, bôi ít nhất 30 phút trước khi ra khỏi nhà và thoa lại thường xuyên, sau mỗi hai đến bốn giờ.”
Kem chống nắng không chỉ ngăn ngừa ung thư da mà còn có thể giúp giảm lão hóa.
5. Không ưu tiên giấc ngủ
Trong cuộc sống hiện đại bận rộn này, giấc ngủ thường xếp cuối danh sách những việc cần làm của chúng ta.
Nhưng theo thời gian, thiếu ngủ có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì, tiểu đường, trầm cảm và sa sút trí tuệ.
Tiến sĩ Greg Potter, một chuyên gia về giấc ngủ, dinh dưỡng, trao đổi chất và sinh lý học, cho biết: “Rất nhiều người trong chúng ta hy sinh giấc ngủ để dành nhiều thời gian hơn cho công việc, cho gia đình và bạn bè hoặc làm những việc khác mà chúng ta yêu thích”.
“Bạn sẽ phải tìm ra thời lượng ngủ mình cần – hầu hết người trưởng thành cần 7-9 giờ mỗi đêm, nhưng một số người cần ít hơn, ví dụ như 6 giờ trong khi những người khác cần đến 10 giờ”.
6. Không ra ngoài trời mỗi ngày
Tiến sĩ Potter cho biết ánh sáng ban ngày có rất nhiều tác dụng có lợi cho cơ thể, từ việc tăng cường sự tỉnh táo, cải thiện tâm trạng đến tăng ham muốn tình dục. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể cảm thấy tràn đầy sinh lực hơn vào mùa hè.
Ông phân tích: “Da của bạn sử dụng ánh nắng mặt trời để tạo ra vitamin D, rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch và sức khỏe của xương”.
“Ánh sáng cũng là ‘tín hiệu thời gian’ chính giúp cài đặt đồng hồ sinh học mỗi ngày, giúp bạn ngủ vào một thời điểm thích hợp trong ngày”.
“Ánh sáng có tác động có lợi với nội tiết tố, sự trao đổi chất và sức khỏe tim mạch, có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu và làm giảm huyết áp”.
“Nếu bạn không dành ít nhất một giờ ở ngoài trời vào ban ngày, hãy xem liệu bạn có thể ra ngoài nhiều hơn không. Bạn có thể đi dạo buổi sáng trước khi làm việc, ăn sáng hoặc ăn trưa bên ngoài”.
7. Sử dụng điện thoại trên giường
Rất nhiều người trong chúng ta dự định xem mạng xã hội một chút trước khi đi ngủ, nhưng cuối cùng lại lướt mạng quá lâu.
Tiến sĩ Potter cho biết ánh sáng phát ra từ điện thoại có thể là một vấn đề nếu bạn không nhận đủ ánh sáng ban ngày.
“Sử dụng điện thoại trên giường không phải ý hay. Sử dụng điện thoại có thể khiến bạn quên đi thời gian, điều này có thể làm giảm thời gian ngủ của bạn”, tiến sĩ Potter nói.
Chuyên gia khuyên bạn nên tắt điện thoại ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ và để điện thoại xa tầm tay để tránh bị cám dỗ.
8. Nghe nhạc âm lượng lớn
“Đừng nghe nhạc âm lượng lớn” – đó là lời cảnh báo mà chúng ta đều đã nghe thấy, nhưng khó thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là với giới trẻ.
Nhưng thói quen xấu này tích tụ qua nhiều năm có thể ảnh hưởng xấu đến tai.
Katie Ogden, chuyên gia thính học tại Anh, cho biết: “Bất kỳ âm thanh nào trên mức 85dB đều có thể gây hại cho tai, đặc biệt nếu tai tiếp xúc với nó trong thời gian dài”.
“Một người nghe nhạc qua tai nghe với âm lượng tối đa là 100 đến 110dB trong thời gian dài có thể dẫn đến mất thính lực đáng kể”.
Bạn không nên đeo tai nghe hơn một giờ mỗi lần và đảm bảo cần có quãng nghỉ giải lao 15 phút.
9. Gội đầu sai cách
Gội đầu bằng nước quá nóng không tốt cho da đầu, chuyên gia Sam đến từ công ty Este Medical Group, cho biết.
Ông nói: “Khi bạn dội nước nóng trên da đầu, các lỗ chân lông sẽ mở ra, đồng nghĩa với việc chân tóc yếu hơn, tóc có thể rụng dễ dàng hơn.
“Việc gội đầu bằng nước ấm sẽ giúp lỗ chân lông mở ra đủ để chân tóc và da đầu được làm sạch nhưng không gây hư tổn và rụng tóc. Sử dụng nước có nhiệt độ cao đến mức làm tổn thương da đầu không chỉ gây khó chịu mà còn khiến da đầu khô, gây ra gàu”.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết