Trẻ thông minh giả hay còn gọi là trẻ khôn lỏi, là về biểu hiện của trí thông minh cảm xúc (EQ) nhiều hơn là về trí thông minh trí tuệ (IQ) ở trẻ.
Việc phát triển về cảm xúc xã hội (EQ) cho bé là điều rất cần thiết giúp con bản lĩnh, tự tin khi hòa nhập vào cuộc sống xã hội, tuy nhiên, thông minh giả (khôn lỏi) lại là một khái niệm hoàn toàn khác mà ba mẹ nên để ý, nếu bé có những dấu hiệu khôn lỏi (thông minh giả), ba mẹ cần linh hoạt điều chỉnh để con biết phân biệt điều gì đúng sai ngay từ còn nhỏ.
Làm gì khi con khôn lỏi?
– Khi con lý sự cùn, đùn đẩy trách nhiệm
Ba mẹ cố gắng nhịn cười, hỏi xác nhận lại sự việc, và phớt lờ các lý do và cái cớ mà con đưa ra. Chẳng hạn “có phải ý con là con bị vấp té nên làm đổ tô cơm phải không, nào đưa chân mẹ xem..” và phớt lờ đi việc con nói tại cái ghế vướng đường, tại con muốn đi nhanh tới chỗ mẹ…
Về sau khi có mặt con, cũng không đem chuyện này ra kể vui cho mọi người nghe, làm con lầm tưởng điều đó là hay.
– Khi con ích kỷ không muốn chia sẻ, nhưng lại luôn tìm cách xài đồ của bạn bè
Hãy hỏi con, nếu con bị đối xử như vậy, con sẽ buồn chứ? Nếu bé tự tin trả lời: “con không bao giờ bị vậy cả, chỉ có bạn đó ngốc mới bị thôi”.
Bạn hãy tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ồ, ra vậy, mẹ thì hay chia sẻ đồ ăn với các cô chú khác lắm, nhưng cô chú không nghỉ mẹ ngốc, mà cho ngược lại mẹ. Nếu cô chú nghỉ mẹ ngốc, thì mẹ sẽ rất buồn, và sẽ ước rằng đừng ai đối xử với mẹ như vậy” – Đừng phê phán bé, hãy để bé tự cảm nhận việc làm của mình bằng một câu chuyện tương tự.
– Khi thấy con lấy lòng, nịnh những người mang lại lợi ích cho con
Hãy hỏi con: “Con rất thích bạn ấy à, kể mẹ nghe về bạn ấy đi”.
Sau khi con kể xong “Ồ, nghe có vẻ bạn ấy rất hay cho con quà vặt. Thế con có cho bạn ấy món gì của con chưa?”.
Có thể bé sẽ nói: “Không, con không có gì để cho, mà bạn ấy cũng không cần”. Lúc này hãy giảng giải với con: “con rất nhiều tài vặt, như biết vẽ, biết đàn, biết kể chuyện,.. hãy dạy bạn cùng biết thay vì chỉ khen bạn, lời khen nghe xong là biến mất. Con đâu thua kém gì bạn, không cần xin bạn điều gì, đúng không con?”
– Đối phó với các mánh khóe của bé
Bé không muốn ngủ trưa nên tới giờ thì quấn lấy ông bà, bảo con thương, con muốn chơi với ông bà. Hoặc giả bệnh để khỏi đi học. Ca này thì đừng vội lật tẩy bé, bé cảm thấy xấu hổ, sẽ càng cứng đầu tỏ ra oan ức thì khó trị hơn.
Hãy hỏi lại “Con rất thích đi học nhưng vì đau bụng mà con không đi được thôi phải ko?” – Tất nhiên bé sẽ Dạ – “Nếu thích như vậy thì sau khi con khỏe, mẹ sẽ chở con lên nhà cô giáo học lại bài hôm nay bù vô nhé. Mỗi ngày cũng sẽ đăng kí cho con học thêm ở nhà cô”.
Lúc này bé sẽ mếu mó không biết làm sao, bạn hãy gợi ý bé nói thật “Nếu con không muốn đi học, con cứ nói với mẹ nhé. Mẹ và con sẽ cùng thương lượng. Có thể con sẽ ở nhà tự học 1 hôm thay vì đến lớp, con nhé. Nếu đau bụng rồi thì phải nằm mãi trên giường, cũng không được chơi đồ chơi rồi”…
Không ai hiểu con bằng bạn, mỗi tình huống, bạn hãy cân nhắc thật kĩ để ứng phó phù hợp với tính cách của con, tránh làm con sượng sùng, xấu hổ. Hãy để con tự nhận ra bài học ba mẹ nhé.
LifeHub