Để con đường tương lai phát triển thuận lợi, bên cạnh kiến thức và tài năng, trẻ cũng cần phải học cách đối nhân xử thế và hòa đồng với mọi người.
Nghiên cứu của Đại học Stanford, Mỹ cho biết, trẻ có EQ cao sẽ hỗ trợ cho sự thông minh được bộc lộ và thậm chí còn giúp gia tăng IQ. Trẻ em có chỉ số EQ thấp sẽ thiếu sự tự tin, không thích giao tiếp với người khác, ít bạn bè. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bản thân và nghề nghiệp trong tương lai, trẻ dễ trở thành người cô đơn, không biết vượt qua thất bại…
Trẻ học giỏi thôi chưa đủ, trí tuệ cảm xúc cũng là một nhân tố phải được trau dồi. Muốn đạt được điều này, vai trò hướng dẫn, làm gương và uốn nắn con của cha mẹ là rất quan trọng.
Nếu trẻ có những biểu hiện sau đây, hãy kịp thời uốn nắn và giúp con thay đổi để phát triển trí tuệ cảm xúc hoàn thiện hơn.
1. Hay ăn vạ, mất bình tĩnh
Ăn vạ là một việc phổ biến ở trẻ nhỏ, thường xảy ra khi bé không hài lòng hay đạt được một thứ gì đấy. Tuy nhiên, trẻ ăn vạ quá thường xuyên, hay mất bình tĩnh, tức giận, khóc lóc… đó là biểu hiện của chỉ số EQ thấp.
Trẻ muốn gửi tín hiệu khó chịu đến cho cha mẹ, nhưng do khả năng thể hiện ngôn ngữ, hành động của trẻ còn hạn chế nên trẻ phản ứng bằng cách giận dữ và có hành động không phù hợp. Do đó, nhiều bố mẹ thường phải đau đầu khi đối mặt cảnh con cái nằm lăn ra giữa đường, gào khóc thật to bất kể đang ở đâu. Lúc này, trẻ cần sự giúp đỡ của cha mẹ để bình tĩnh lại.
2. Thích tị nạnh với người khác
Khi trẻ còn nhỏ, các bé thường không biết tự nhìn nhận chính mình mà chỉ học cách phản ứng thông qua những người xung quanh. Trong một số trường hợp, trẻ biểu hiện tính ganh ghét, tị nạnh với người khác, cho dù đó chỉ là một món đồ chơi nhỏ, hay một miếng bánh miếng kẹo.
Cảm xúc này sẽ khiến trẻ hay phàn nàn chê bai, chẳng ai, chẳng điều gì khiến trẻ hài lòng, luôn thấy điểm xấu của người khác và bắt đầu nói xấu sau lưng họ.
3. Ích kỷ, chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân
Một biểu hiện khác của trẻ có chỉ số EQ thấp đó là tính ích kỷ. Nhiều đứa trẻ tự tin, thích làm trung tâm của sự chú ý, nhưng nếu bé thể hiện thái độ thô lỗ, coi thường người khác, chỉ quan tâm tới bản thân thì cha mẹ cần lưu ý uốn nắn ngay. Chẳng hạn như khi thấy trẻ cố tình phớt lờ người khác và tùy tiện chặn lời nói của người khác để làm nổi bật bản thân.
Nếu để trẻ quen với tư duy đó, sau này khi trưởng thành, trẻ cũng không bao giờ hiểu cảm xúc của người khác, dễ dàng làm người khác tổn thương bằng những hành vi và lời nói của mình. Một đứa trẻ thích quậy phá thì không sao, nhưng tiền đề là phải tôn trọng người khác.
4. Phản ứng mạnh khi bị chê trách
Trẻ nhỏ thường rất thích được khen ngợi nhưng nếu trẻ phản ứng mạnh khi bị phàn nàn, chê trách bằng cách: tức tối, la hét, ngỗ nghịch thì chứng tỏ đứa trẻ đó có chỉ số EQ thấp. Khi không thiện chí với những lời góp ý, chỉ thích khen ngợi, dần dần trẻ sẽ không phân biệt được đúng sai, không biết đánh giá bản thân mình. Khi trưởng thành, trẻ sẽ khó nhận ra những khuyết điểm của bản thân, thậm chí còn hình thành tích cách tự cao tự đại.
5. Nhút nhát trước đám đông
Có không ít đứa trẻ không dám bộc lộ cảm xúc khi gặp người lạ nhưng khi ở cùng bố mẹ, người thân lại rất ồn ào và quậy phá. Những đứa trẻ như vậy không biết cách nói chuyện với người lạ hoặc cách hòa hợp với cha mẹ. Nếu bạn nhận thấy trẻ có những hành vi này thì phải sửa chữa càng sớm càng tốt, nếu không trí tuệ cảm xúc của trẻ sẽ khó được cải thiện.
Chỉ số EQ có thể cải thiện, do đó, nếu trẻ có 5 biểu hiện trên khi còn nhỏ, cần chú ý thay đổi càng sớm càng tốt. Hãy trò chuyện với con, dùng những cách thức mà trẻ dễ tiếp thu để chỉ rõ cho trẻ cách hành xử đúng đắn hơn trong mọi tình huống.
Điều quan trọng là giúp trẻ biết linh hoạt trong hành xử và tư duy. Khi làm việc gì cũng không thể chỉ dùng một phương pháp, khi phương pháp ban đầu không hiệu quả thì phải thay đổi tư duy, tìm kiếm một phương pháp khác. Những đứa trẻ biết tư duy linh hoạt trong công việc thì cũng tinh tế hơn trong cách cư xử với người khác.
Cha mẹ cũng cần dạy con cách đối mặt với khó khăn. Trong quá trình vừa học vừa chơi, trẻ sẽ gặp khó khăn và cảm thấy mình bị làm sai. Khi tâm trạng buồn phiền, chán nản, trẻ có thể giãi bày với mọi người nhưng không thể biến đó thành câu cửa miệng, làm gì cũng than. Vì những lời phàn nàn thường xuyên không những không làm giảm được căng thẳng mà còn dẫn đến những cảm xúc tiêu cực. Khi cha mẹ thấy con gặp phải một bước hụt hẫng nào đó, hãy lưu ý để kịp thời trao đổi, đồng hành cùng con.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết