Mới đây, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu bạn có thói quen này vào buổi tối, bạn có thể có nguy cơ cao mắc một số bệnh mạn tính.
Nghiên cứu mới
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người hay thức khuya thường có xu hướng ít vận động hơn, có mức độ tập luyện thấp hơn, có khả năng đốt cháy ít chất béo hơn khi nghỉ ngơi và khi hoạt động so với những người ngủ và thức dậy sớm.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Experimental Physiology, những người thường xuyên thức khuya hay còn được gọi là ‘cú đêm’ có nguy cơ kháng insulin cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc cơ bắp của họ cần nhiều insulin hơn để có đủ năng lượng cần thiết cho các hoạt động trong ngày.
Phó giáo sư Steven Malin, tại Khoa động học và sức khỏe tại Đại học Rutgers ở New Jersey, Mỹ cho biết: “Insulin là hormon vận chuyển glucose vào tế bào và tạo thành năng lượng giúp các cơ hoạt động hiệu quả”.
PGS Malin cho biết thêm rằng thời gian sinh học (chronotype) có thể gây ảnh hưởng đến cách cơ thể chúng ta sử dụng insulin và tác động đến sự trao đổi chất. Do đó, việc trở thành một ‘con cú đêm’ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường loại 2.
Các nhà nghiên cứu đã phân 51 người trưởng thành không mắc bệnh tim hoặc tiểu đường vào 2 nhóm ngủ sớm dậy sớm và thức khuya tuỳ theo bảng trả lời câu hỏi về thói quen ngủ họ điền trước đó. Trong suốt quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã kiểm soát chế độ ăn uống của những người tham gia nghiên cứu và tiến hành đo trọng lượng cơ thể, mức độ hoạt động thể chất của mỗi người và đo độ nhạy của cơ thể với insulin.
Kết quả cho thấy những người có thói quen ngủ sớm dậy sớm nhạy cảm hơn với nồng độ hormone insulin trong máu và đốt cháy nhiều chất béo hơn khi nghỉ ngơi và khi tập thể dục so với những người hay thức khuya. Những người có thói quen thức khuya ít nhạy cảm hơn với insulin và cơ thể của họ ưa thích sử dụng carbohydrate làm nguồn năng lượng hơn là tiêu tốn chất béo.
Điều này gây ảnh hưởng tới nguồn năng lượng cần thiết cho các hoạt động thể chất bởi đốt cháy chất béo có thể giúp bạn có nhiều năng lượng hơn để tham gia các hoạt động thể chất; hoạt động tinh thần trong ngày và cơ thể sẽ sử dụng carbohydrate để tham gia vào các hoạt động thể chất với cường độ cao.
PGS Malin nói: “Chuyển hóa chất béo đóng vai trò quan trọng vì chúng tôi cho rằng nếu bạn có thể đốt cháy chất béo để lấy năng lượng thì điều đó sẽ giúp cơ hấp thụ glucose một cách bền bỉ hơn”.
“Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người thường xuyên thức khuya có lượng mỡ thừa ở vùng bụng nhiều hơn. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng lượng mỡ thừa tích tụ ở bụng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta”, PGS Malin nói thêm.
Các báo cáo cũng chỉ ra rằng những người thường xuyên thức khuya có nguy cơ béo phì, mắc tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch cao hơn so với những người có thói quen ngủ sớm và thức dậy sớm.
Giáo sư thần kinh học Phyllis Zee, giám đốc Trung tâm Y học về Giấc ngủ và Mạch máu tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern ở Chicago cho biết: “Nghiên cứu góp phần bổ sung thêm bằng chứng về mối liên hệ giữa giấc ngủ và sức khỏe”.
Giáo sư Zee cho biết: “Đây là bằng chứng cho thấy thức khuya có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và bệnh tim mạch cao hơn. Các chuyên gia y tế đề xuất một số cơ chế gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người hay thức khuya. Trong đó bao gồm mất ngủ, rối loạn nhịp sinh học, thức khuya – dậy muộn gây ảnh hưởng tới thời gian ăn uống (ăn muộn hơn trong ngày), ít tiếp xúc với ánh sáng buổi sáng (do thức dậy muộn) và tiếp xúc nhiều với ánh sáng vào ban đêm. Tất cả những điều này đều có thể gây ảnh hưởng đến độ nhạy của cơ thể với insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh”.
Đồng hồ sinh học, giấc ngủ và sức khỏe
Mỗi người đều sở hữu một chiếc đồng hồ sinh học để điều chỉnh quá trình giải phóng và ngừng sản xuất hormone melatonin giúp chúng ta đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Đồng hồ sinh học cũng giúp báo hiệu thời gian đói bụng, thời gian cơ thể cảm thấy mệt mỏi và cần nghỉ ngơi, thời gian cơ thể tràn đầy năng lượng để tập thể dục.
Thông thường, thời gian mặt trời mọc và thời gian màn đêm buông xuống sẽ quy định chu kỳ ngủ – thức của con người. Ánh sáng ban ngày tác động lên mắt, truyền đến não và phát ra tín hiệu ngăn chặn quá trình sản xuất melatonin, khiến mọi người tỉnh ngủ. Khi mặt trời lặn, đồng hồ sinh học của cơ thể kích hoạt sản xuất melatonin trở lại và khiến bạn buồn ngủ khoảng vài giờ sau đó.
Việc ngủ đúng giờ giúp mọi người duy trì đồng hồ sinh học, giúp mọi người có nhiều năng lượng hơn vào buổi sáng. Tuy nhiên, đối với những người thường xuyên thức khuya, đồng hồ sinh học của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, khiến cơ thể tiết ra melatonin muộn hơn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến cơ thể uể oải, thiếu năng lượng vào buổi sáng và gia tăng sự tỉnh táo vào buổi chiều và buổi tối.
Các chuyên gia cho biết thời gian ngủ sinh học có thể ảnh hưởng đến năng suất, hiệu suất học tập, hoạt động xã hội và thói quen lối sống. PGS Malin cho biết những người có thói quen ngủ sớm dậy sớm có nhiều năng lượng hơn để tham gia các hoạt động trong suốt cả ngày. Điều này cũng góp phần giải thích một phần lý do tại sao các nghiên cứu đều chỉ ra rằng những người dậy sớm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn.
Những người thường xuyên thức khuya có thể gặp nhiều rủi ro sức khoẻ hơn. Những người thức khuya cũng có xu hướng bỏ bữa sáng (do thức dậy muộn) và ăn nhiều hơn vào cuối ngày. Mặt khác, việc thường xuyên thức khuya nhưng phải dậy sớm để đi làm, đi học và tham gia các hoạt động xã hội cũng khiến họ rơi vào tình trạng thiếu ngủ, dễ mệt mỏi hơn và gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết