Ngày 8-7, Sở Y tế TP HCM cho biết tính từ đầu năm đến ngày 7-7, TP HCM có 24.225 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó đã có 12 ca tử vong. Trong đó, ca tử vong thứ 11 là một bệnh nhân 28 tuổi, không qua khỏi sau khi truyền dịch ở phòng khám tư.
Nam bệnh nhân bị sốt, đau đầu, đến khám tại phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ V.P (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân). Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc SXH và được phòng khám này truyền dịch. Vài giờ sau, bệnh nhân chuyển nặng và được phòng khám chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong trước khi nhập viện. Nguyên nhân nghi do xuất huyết não – SXH Dengue ngày 1.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức – Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết tại bệnh viện thời gian qua có tiếp nhận, điều trị một số bệnh nhân nguy kịch do truyền dịch, tiêm thuốc tại phòng khám tư.
Điển hình, một bệnh nhi 7 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai, bị SXH nhập viện trong tình trạng mạch và huyết áp không đo được. Người nhà cho biết bệnh nhi sốt ngày thứ nhất, gia đình có liên hệ bác sĩ quen đến khám. Bác sĩ chẩn đoán nghi SXH và tiêm 2 mũi thuốc vào mông. Tuy nhiên, ngày thứ 3 của bệnh, bé mệt hơn, nôn ói nhiều, đau bụng, li bì, lạnh và tím tay chân. Tại bệnh viện, bệnh nhi đã được hồi sức hô hấp tuần hoàn tích cực và đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Việt cảnh báo SXH rất dễ chảy máu vì giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu ở giai đoạn nặng (ngày thứ 3 và 4 của bệnh). Nếu tiêm vào cơ (tiêm bắp) có thể làm rách các mao mạch và gây chảy máu không cầm được.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết tại đây cũng từng tiếp nhận bệnh nhân SXH bầm tím tay sau khi tiêm tại một phòng khám tư nhân trên địa bàn quận Gò Vấp. Bác sĩ Phong cảnh báo khi bị SXH tuyệt đối không được tiêm bắp tay vì có thể bị nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm trùng da, từ đó có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, có thể gây tử vong.
Bác sĩ Việt cũng cho biết hiện nay vẫn còn vài cơ sở y tế truyền dịch sớm và nhiều cho bệnh nhân SXH khi chưa có chỉ định. “Vì khi truyền dịch cơ thể sẽ tích tụ. Sau đó, nếu người bệnh chuyển nặng, trụy mạch buộc phải truyền dịch tiếp. Lúc này lượng dịch truyền thêm vào khiến người bệnh dễ suy hô hấp phải can thiệp thở máy” – bác sĩ Việt lưu ý.
Bên cạnh đó, một số người chủ quan, tự chữa bệnh tại nhà. Bác sĩ Việt lưu ý người dân không nên tự ý dùng aspirin và ibuprofen khi nghi ngờ mắc SXH. Vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết