Đài Sputnik đưa tin theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố tuần trước, Omicron có thể tồn tại 193 giờ (hơn 8 ngày) trên bề mặt nhựa, lâu gấp 3 lần chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở Trung Quốc (56 giờ), hay chủng Beta có nguồn gốc tại Nam Phi và Delta có nguồn gốc tại Ấn Độ.
Omicron đánh bật các biến thể khác về kỷ lục sống sót trên bề mặt nhựa hay nylon.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng trên da người và trên bề mặt nylon và đồ nhựa, các biến thể Alpha, Beta, Delta và Omicron đều có thời gian tồn tại lâu hơn gấp 2 lần so với chủng gốc Vũ Hán và duy trì khả năng truyền nhiễm hơn 16 tiếng trên bề mặt da người.”, các tác giả của nghiên cứu cho hay.
Ngoài ra, nhóm nhà khoa học vẫn tìm thấy biến thể Omicron trên bề mặt thuỷ tinh và thép không gỉ sau 7 ngày. Virus này tồn tại trên da khoảng 21 giờ, trong khi chủng gốc chỉ tồn tại chưa đến 8 giờ.
Họ cho rằng: “Cần có thêm bằng chứng để giải thích về việc Omicron có khả năng lây truyền gia tăng trong cộng đồng. Virus bám trụ lâu trên các bề mặt có thể là một trong những nguyên nhân tiềm tàng và cần giới chức cân nhắc khi đưa ra các biện pháp chống virus lây lan”.
Tuy vậy, các chuyên gia lưu ý người dân không cần quá lo ngại về phát hiện trên. Bởi lẽ, khả năng con người bị lây nhiễm do hít phải virus là cao hơn nhiều lần so với chạm vào các bề mặt bị nhiễm khuẩn.
Mặc dù các biến thể thường kháng ethanol (cồn thường được dùng trong chất sát khuẩn và nước rửa tay) hơn so với chủng gốc gây ra COVID-19, tất cả các biến thể của virus đều bị bất hoạt trên da sau 15 giây sử dụng nước rửa tay sát khuẩn có chứa cồn.
Giáo sư y tế cộng đồng Leo Poon tại Đại học Hong Kong khuyến cáo người dân nên chú ý lau chùi các đồ vật mà họ thường xuyên cầm nắm như chuông cửa, nút bấm trong thang máy hay tay vịn cầu thang.
Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp loại Omicron là biến thể gây lo ngại vì nó lây truyền mạnh hơn so với các biến thể khác của COVID-19, cũng như có thể lẩn tránh vaccine. Tuy nhiên, nó được cho là gây triệu chứng nhẹ hơn so với các chủng trước đây.
Tiếp tục trở thành mối lo chủ đạo trên thế giới, Omicron hiện nay có mặt ở tất cả quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và đã trở thành biến thể chủ đạo ở phần lớn các nước thành viên EU. Thông tin trên do Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC) đưa ra.
Một số người vẫn có khả năng “tránh” được COVID-19
Các nhà nghiên cứu cho biết, có một số lý do khiến hàng triệu người Mỹ vẫn chưa nhiễm virus SARS-CoV-2.
Một trong những lý do là mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giảm nguy cơ. “Có những người không nhiễm bệnh vì họ cực kỳ thận trọng”, Tiến sĩ Mark Siedner, Trường Y Harvard, nói.
“Họ có thể là những người phần lớn sống ở quê nhà, ít giao tiếp với người khác hoặc đặc biệt cẩn thận với việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội”.
Những người này nhiều khả năng đã tiêm vắc xin, gồm cả mũi tăng cường. Các chuyên gia cho biết không thể bỏ qua tác động của tỷ lệ tiêm chủng đối với việc ngăn ngừa nhiễm Covid-19 ở người Mỹ.
Di truyền cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Tiến sĩ Stuart Ray, Đại học Johns Hopkins, thông tin, một số người có nguy cơ cao nhiễm HIV nhưng thực tế lại không mắc bệnh.
“Những người có đột biến ở một thụ thể nào đó, liên quan đến việc không bị nhiễm HIV”, Tiến sĩ Ray giải thích.
Mặc dù chưa xác định được một gen rõ ràng, Tiến sĩ Ray cho rằng, một số người ít nhạy cảm hơn với Covid-19 về mặt di truyền là giả thuyết khả thi.
Lifehub tổng hợp