Việc định lượng về quần thể các loài côn trùng rất quan trọng, đặc biệt trong trường hợp nhiều loài đang dần biến mất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Khi Mark Wong bắt đầu phân tích 489 nghiên cứu về côn trùng học trên mọi lục địa, môi trường sống chính và quần xã sinh vật trên Trái đất, anh chỉ có một mục tiêu đơn giản. Đó là đếm kiến, xem có tổng cộng bao nhiêu con kiến trên Trái đất. Hành trình đi đến câu trả lời cuối cùng rất dài và tẻ nhạt. Nhưng rồi một ngày, nhà khoa học này và các chuyên gia về kiến đã đi tới được phía bên kia của câu hỏi.
Theo một báo cáo mới được công bố đầu tuần này trên tạp chí PNAS (Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ), nhóm các nhà khoa học quốc tế cho rằng hiện có một con số khổng lồ là 20 triệu tỷ con kiến đang lang thang trên hành tinh của chúng ta.
Để viết ra thì con số đó là 20.000.000.000.000.000 (20 và 15 chữ số 0 ở phía sau).
“Chúng tôi ước tính thêm rằng toàn bộ số kiến trên thế giới có thể tạo thành khoảng 12 triệu tấn carbon”, Wong, nhà sinh thái học tại Trường Khoa học Sinh học của Đại học Tây Úc, cho biết. “Thật ấn tượng, con số này vượt quá sinh khối của tất cả các loài chim và động vật có vú hoang dã trên thế giới cộng lại.”
Sinh khối, hay khối lượng của các sinh vật, thường được đo theo thành phần carbon của chúng. Để hình dung dễ hơn con số đáng kinh ngạc đó, bạn hãy nhân nó với 5. Con số nhận được tương đương với toàn bộ sinh khối của con người trên Trái đất, và theo các nhà khoa học thì đây có thể chỉ là một “ước tính thận trọng”.
Mỗi nghiên cứu trong số 489 nghiên cứu toàn cầu nói trên đều khá kỹ lưỡng. Các nhà khoa học đã sử dụng hàng chục tới hàng trăm chiến thuật để bẫy kiến, ví dụ như bắt kiến chạy trong các rãnh chứa nhựa nhỏ. Nhưng bất chấp các nỗ lực nghiên cứu, vẫn có những cảnh báo được đưa ra.
Ví dụ, các vị trí lấy mẫu được phân bố không đồng đều trên các vùng địa lý và phần lớn được thu thập từ lớp đất ở bề mặt. “Chúng tôi có rất ít thông tin về số lượng kiến trên cây hoặc dưới lòng đất”, Wong nói. “Điều này có nghĩa là phát hiện của chúng tôi có phần chưa hoàn thiện.”
Tại sao chúng ta phải đếm kiến?
Mặc dù có kích thước nhỏ bé, nhưng kiến lại là một loài có sức ảnh hưởng lớn.
Những hạt giống cây trồng là thứ không thể thiếu để duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái, và kiến là loài thường vô tình gieo hạt của mọi loài xuống đất. Chúng cũng là con mồi cho những loài động vật lớn hơn, cũng như là kẻ săn mồi của nhiều loài khác. Kiến cũng khuấy đảo đất đai và ăn xác thối. Và đó chỉ là một vài trong số những công việc quen thuộc hàng ngày của chúng. Vì vậy, nếu xét trên số lượng khổng lồ của chúng trên Trái đất, những ảnh hưởng do kiến gây ra rất lớn.
“Số lượng kiến khổng lồ trên Trái đất nhấn mạnh tầm ảnh hưởng lớn đến giá trị sinh thái của chúng, vì kiến có thể cung cấp các chức năng sinh thái quan trọng vượt hơn trọng lượng của bản thân chúng”, Wong nói.
Nhưng khi nói đến việc đếm số lượng kiến một cách cụ thể, như cách Wong đã làm, thì đang có một sự cấp bách bắt nguồn từ chính tốc độ thay đổi khí hậu của con người. Các nhà khoa học cần phải xác định có bao nhiêu loài kiến, cũng như các loài động vật và côn trùng khác, đang tồn tại trên Trái đất. Vì cuộc khủng hoảng khí hậu – một mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng do hoạt động của con người – đang khiến nhiệt độ trên toàn cầu tăng lên và do đó nó cũng khiến những sinh vật này có nguy cơ tuyệt chủng.
“Chúng ta cần khảo sát chặt chẽ và nhiều lần cũng như mô tả các quần xã sinh thái tại các môi trường sống khác nhau trước khi chúng bị mất đi”, nhà sinh vật học này chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh rằng công trình gần đây của nhóm cung cấp một cơ sở quan trọng cho quần thể kiến.
Một trường hợp tồi tệ nhất, khi chúng ta không đếm xỉa đến những người bạn nhỏ bé này, đó là việc đôi khi hiện tượng “tuyệt chủng đen”, hay tuyệt chủng ẩn danh xảy ra. Đó là khi nhiều loài có thể biến mất âm thầm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn do những thứ như mất môi trường sống hoặc khả năng sinh sống.
Những loài động vật trên con đường tuyệt chủng thậm chí có thể không được ghi lại bằng tài liệu, chứ chưa nói đến việc được nghiên cứu chi tiết.
Nghiên cứu trên tạp chí PNAS của nhóm đã mở đầu bằng một trích dẫn từ nhà sinh vật học và cũng là chuyên gia về kiến người Mỹ Edward O. Wilson: “Kiến chiếm 2/3 sinh khối của tất cả các loài côn trùng. Có hàng triệu loài sinh vật và chúng ta hầu hết không biết gì về chúng.”
Trong tương lai, Wong tin rằng điều quan trọng là phải thường xuyên khảo sát quần thể kiến, và thậm chí xúc tiến quá trình bằng cách thuê ngoài cho bất kỳ ai có thể và sẵn sàng tham gia.
“Những việc như đếm kiến, chụp ảnh những con côn trùng mà chúng gặp trong sân sau nhà mình và ghi nhận quan sát về những điều thú vị mà thực vật và động vật đang làm có thể mang lại nhiều lợi ích”, Wong nói. “Như nhà sinh vật học về kiến lỗi lạc EO Wilson đã từng đề xuất, sẽ thật tuyệt nếu như có thêm những người lính tham gia vào cuộc chiến”.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết