Nhìn hình thức không mấy hấp dẫn nhưng chất dinh dưỡng bên trong của loài sâu bướm này lại vô cùng giàu có, gấp 3 lần thịt bò.
Trên thế giới có rất nhiều món ăn từ các loài côn trùng, điển hình như Việt Nam có nhộng, đuông dừa… Mới đây các nghiên cứu cho thấy ở Nam Phi cũng có một món ăn từ côn trùng sở hữu vẻ ngoài đáng sợ nhưng khi chế biến lại trở thành món đặc sản, giàu chất dinh dưỡng.
Đó là sâu bướm monape, chúng có giá trị dinh dưỡng rất cao, hình thù kỳ dị của chúng khiến nhiều người phải ái ngại. Wendy Vesela, kỹ sư hóa học người Nam Phi vừa qua nghĩ ra cách biến những con sâu bướm mopane thành những món ăn dinh dưỡng và mang đi giới thiệu ở các hội chợ ẩm thực địa phương.
Theo đó, Wendy Vesela đã chế biến những con sâu bướm này thành một loại bột, được sử dụng để làm những món bánh quy mặn, chocolate giàu protein, cháo ngũ cốc hoặc sinh tố. Miếng bột mopane còn được hấp và thái mỏng, sau đó dùng làm lớp phủ trên bánh pizza.
Nếu như việc ăn côn trùng khiến nhiều người kinh hãi thì khi chuyển hóa chúng thành dạng bột, mọi thứ sẽ dễ chịu hơn. Và chúng thật sự trở nên ngon miệng hơn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong sâu bướm mopane có hàm lượng protein gấp 3 lần thịt bò. Ngoài ra, món ăn này còn là nguồn cung cấp đáng kể các chất dinh dưỡng như kali, natri, canxi, mangan, đồng. Vì thế, ngày càng nhiều người ưa chuộng các chế phẩm từ loài côn trùng có hình thù kỳ dị này.
Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) đã khẳng định, sâu bướm mopane là một trong những sản phẩm tài nguyên lâm nghiệp nổi tiếng và quan trọng nhất về mặt kinh tế của vùng rừng mopane ở một số quốc gia châu Phi. Vào thập niên 90 thế kỷ trước, đến hàng trăm tấn sâu bướm monape được xuất khẩu từ Botswana và Nam Phi mỗi năm.
Với người nông dân châu Phi, đây là món ăn phổ biến. Chúng thường được phụ nữ và trẻ em thu hoạch ngay trên cây, hoặc rung mạnh để chúng rơi xuống đất rồi sau đó bỏ vào những thùng nhựa đem về.
Để chế biến món ăn này, người nông dân sẽ làm sạch bằng cách khử bỏ chất nhờn màu xanh nhạt bên trong thân. Sau khi làm sạch sâu bướm sẽ được luộc chín trong nước sôi rồi vớt ra phơi nắng hoặc hun khói để tăng mùi vị. Nếu chế biến đại trà, sâu bướm sẽ được sấy khô.
Người dân bản địa thường ăn tươi luôn khi bắt được sâu bướm, giống như cách người Việt ăn đuông dừa. Bởi đây là thời điểm chúng ít bị dai hơn, hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng nhất. Ngoài ra, loại sâu này còn được hầm, luộc, trộn với sốt hoặc ăn kèm cháo cũng rất ngon và bổ dưỡng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết