Để học được cách dạy con trai bướng bỉnh, cha mẹ cần biết được những đặc điểm nhằm quan sát xem con của mình có thật sự hư hay không.
Nhiều bậc phụ huynh thường xuyên dùng bạo lực đối với trẻ và cho rằng đó là đang dạy con, nhất là với bé trai. Lâu dần trẻ sẽ bị ảnh hưởng xu hướng bạo lực mà trở nên ngang bướng hơn, thậm chí phản kháng lại khi cảm thấy ức chế, không phục.
Ai làm bố mẹ cũng đều trải qua khoảng thời gian vật lộn với những cơn giận dữ và thái độ ương ngạnh của con, đặc biệt là những gia đình có bé trai. Đối mặt với con trai bướng bỉnh có thể khiến bố mẹ nóng giận và khó kiềm chế được cảm xúc.
Chị Nguyễn Huyền Trang (cán bộ ngân hàng Vietcombank) chia sẻ, thường xuyên đối mặt với sự bướng bỉnh của 2 cậu con trai. Nhiều lúc không thể chịu đựng được, chị đã hét lớn vào mặt con, thậm chí muốn đánh cho một trận.
Để học được cách dạy con trai bướng bỉnh, cha mẹ cần biết được những đặc điểm để quan sát xem con của mình có thật sự hư hay không. Từ đó có thể tìm được phương pháp giáo dục phù hợp. Và những bé trai bướng bỉnh thường sẽ có những đặc điểm như thích được chú ý, mong muốn mọi người “phải” lắng nghe và thừa nhận quan điểm của mình. Dễ tức giận khi không vừa ý.
Thậm chí, trẻ không kiểm soát được hành động và lời nói của mình khi giận dữ. Không thích nghe lời của cha mẹ và làm mọi chuyện theo ý mình. Thường bị phê bình là không ngoan khi ở trường. Ngoài ra còn thường xuyên làm anh chị em trong nhà phải khóc.
Không phải ngẫu nhiên mà đứa trẻ trở nên cứng đầu, ngang ngạnh. Vì thế, việc tìm ra nguyên nhân sẽ giúp bố mẹ lựa chọn cách dạy con tốt nhất.
Mỗi đứa trẻ trong mỗi gia đình lại có những lý do khác nhau để dẫn đến sự bướng bỉnh. Tuy nhiên, cô Nguyễn Lan Hương, giáo viên kỹ năng sống Trung tâm tư vấn tâm lý học đường Hà Nội, cho rằng, nhiều bé trai được nuông chiều quá mức, thậm chí như “ông vua con” trong nhà. Tình trạng này khiến con cảm thấy muốn gì được nấy. Nếu người lớn không đáp ứng yêu cầu, trẻ khó lòng chấp nhận và ngay lập tức phản kháng, bướng bỉnh, thậm chí còn “ăn vạ” để đạt được mục đích.
Bên cạnh đó, môi trường cũng ảnh hưởng lớn đến sự bướng bỉnh ở bé trai. Những mâu thuẫn trong cách giáo dục con cái sẽ khiến trẻ lợi dụng để đòi hỏi những gì có lợi cho bản thân. Từ đó, chúng có xu hướng vòi vĩnh và bướng bỉnh hơn đối với người chiều chúng nhất.
Đôi khi chính việc đáp ứng nhanh bất cứ yêu cầu nào của con sẽ khiến trẻ trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Khi ấy, trẻ nhận thức được rằng bố mẹ rất dễ dàng chiều theo mong muốn của chúng, nên một khi không đòi hỏi được, chúng sẽ tức giận và la hét. Bởi thế, phớt lờ những yêu sách không thỏa đáng của con cũng là một cách hay để trị dứt điểm sự bướng bỉnh, cứng đầu của con.
Thế nhưng, cô Lan Hương cũng cho rằng, không nên quá nghiêm khắc, đặt áp lực trong vấn đề giáo dục. Bởi có nhiều người kỳ vọng quá mức vào con nên có những yêu cầu vượt quá khả năng của trẻ. Điều này làm cho trẻ cảm thấy bị bức bối, trở nên lầm lì, khó chịu, thậm chí thành người con ngang ngạnh, bất mãn.
“Kỳ vọng của bố mẹ có thể khiến con trở nên căng thẳng và chống đối. Do đó, bố mẹ cần xem xét những kỳ vọng của mình có phù hợp với tính cách, khả năng và sở thích của con hay không. Hãy giúp con trở thành phiên bản tốt nhất của chính con; không phải là phiên bản tốt nhất theo mong muốn của bố mẹ”, cô Lan Hương nói.
Muốn vậy, cha mẹ cần đặt ra những mục tiêu lành mạnh, phù hợp với năng lực, sở thích và cá tính của con. Đừng quá chú ý đến những sai lầm của con, hãy xem đó như là cách để con học hỏi. Hơn nữa, cha mẹ cũng không nên so sánh con với những người khác và bỏ qua sự hoàn hảo để trút bỏ gánh nặng lên người trẻ.
Để nhất quán trong cách dạy con trai bướng bỉnh, cha mẹ nên đưa ra bộ quy tắc và áp dụng trong việc nuôi dạy trẻ. Trẻ cần tuân thủ nghiêm túc bộ quy tắc này. Việc thay đổi, lúc thế này lúc thế kia sẽ cho trẻ biết chúng có thể không cần nhất nhất tuân theo những quy tắc đó. Thậm chí, chúng có thể sẽ làm ngược lại quy định. Vì thế, muốn những bé trai bớt bướng bỉnh, cha mẹ cần có sự nhất quán và rõ ràng ngay từ đầu.
Trẻ sẽ quan sát cách bố mẹ cư xử với nhau để học hỏi. Do đó, nếu bố mẹ yêu thương và cân bằng, con trẻ cũng sẽ có xu hướng tương tự.
Đây là một điều cần lưu tâm khi bố mẹ tìm cách dạy con trai bướng bỉnh. Bởi trẻ em học thông qua quan sát và trải nghiệm. Nếu chúng thấy bố mẹ cãi nhau suốt ngày, chúng sẽ học cách bắt chước điều đó. Sự bất hòa trong hôn nhân giữa cha mẹ có thể dẫn đến môi trường căng thẳng trong nhà làm ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của con cái.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý đến vấn đề sức khỏe của trẻ. Đôi khi, bé trai trở nên bướng bỉnh khi có vấn đề như mệt mỏi, thiếu vận động, thiếu chất.
Đặc biệt, thiếu ngủ và mệt mỏi có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi ở trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 12. Do đó, nếu lịch sinh hoạt của con chưa cố định hoặc thiếu thời gian để con nghỉ ngơi, cha mẹ cần sắp xếp và rèn con trai của mình vào một nền nếp sinh hoạt cụ thể.
Nhiều cha mẹ có suy nghĩ, con gái mới thích được khen ngợi, ngọt nhạt hay cưng nựng. Thực tế, bé trai cũng mong muốn được động viên và khen ngợi hành vi tích cực của con. Một trong những cách dạy con nghe lời đó là khuyến khích những điều tích cực ở con. Ai cũng muốn được khen và trẻ cũng thế. Hãy động viên, khen ngợi hoặc tặng thưởng nếu con cố gắng thực hiện hay làm tốt một điều gì đó. Cho dù đó là những điều nhỏ nhặt.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết