Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm và cứu sống những nạn nhân bị chôn vùi dưới đống đổ nát đang phải chống chọi với thời tiết giá lạnh hai ngày sau khi một trận động đất lớn xé toạc miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria.
Theo số liệu mới nhất, số người chết trong vụ động đất thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới hơn 8.300 người. Vụ động đất xảy ra vào rạng sáng ngày 6/2, thời điểm phần lớn người dân còn đang ngủ say trong nhà. Chính vì vậy, hiện vẫn còn rất nhiều người với số lượng chưa thể thống kê đang giành giật mạng sống dưới đống đổ nát, chờ đợi cơ hội được cứu.
“Chúng tôi có thể nghe thấy giọng của họ, họ đang cầu cứu”, Ali Silo – một người dân ở thành phố Nurdagi may mắn thoát khỏi trận động đất song đã mất đi 2 người thân trong thảm họa.
Theo các chuyên gia về tình trạng khẩn cấp cứu hộ, một người có thể sống sót dưới đống đổ nát nhiều nhất trong 1 tuần trong những điều kiện thích hợp nhất.
Ngay cả khi nạn nhân bị thương thì không khí để thở và thời tiết là những yếu tố quyết định sự sống còn của một người.
“Thức ăn không phải là vấn đề lớn, vì con người có thể tồn tại trong nhiều tuần mà không có nó. Tuy nhiên, con người chỉ có thể tồn tại vài ngày nếu không có nước”, Tiến sĩ Richard Moon, chuyên gia về sinh tồn của Đại học Duke nói với hãng tin AP.
Julie Ryan, điều phối viên của Nhóm Cứu hộ Quốc tế (IRC) có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho rằng điều kiện lý tưởng cho bất kỳ ai bị mắc kẹt dưới đống đổ nát là có được bất kỳ nguồn cung cấp oxy nào từ bên ngoài và khả năng tiếp cận với nước.
Nhiệt độ cũng đóng một vai trò. Nếu khu vực bị mắc kẹt quá nóng, các nạn nhân dưới đó có thể bị mất nước nhanh hơn, làm giảm hy vọng sống sót của họ.
Các nạn nhân bị mắc kẹt cũng có thể bị hội chứng đè bẹp, xảy ra sau một chấn thương “nghiền nát” đối với cơ xương. Khi một người bị mắc kẹt sau thảm họa, cánh tay, tứ chi và các bộ phận khác của cơ thể họ có thể bị nén bởi đống đổ nát, gây ra sưng cơ hoặc rối loạn thần kinh. Kết quả cuối cùng có thể gây suy thận và tử vong. Những trường hợp như này cần được sự hỗ trợ của y tế ngay sau khi được cứu ra.
Trong lịch sử xảy ra các thảm họa chôn vùi, nhiều trường hợp sống sót đã được cho là kỳ tích. Hơn hai tháng sau trận động đất xảy ra ở Kashmir vào ngày 8/10/2005, Naqsha Bibi – một phụ nữ 40 tuổi đã được giải cứu khỏi căn bếp của mình. Anh họ của cô, Faiz Din, cho biết thậm chí gia đình còn từ bỏ việc tìm kiếm cô vì nghĩ rằng cô đã ngã xuống đồi hoặc được đưa đến một trại cứu trợ khác. Chỉ nặng 35 kg, cô bị cứng cơ và yếu đến mức hầu như không thể nói chuyện.
Tuy nhiên, khi bị mắc kẹt trong không gian chật hẹp khu bếp, Naqsha đã sống sót nhờ vào lượng không khí ít ỏi song rất trong lành bên trong. Một dòng nước nhỏ giọt từ một bên của nhà bếp và đồ ăn còn sót lại cũng đã giúp cô sống sót trong suốt 2 tháng.
Trong một trường hợp tương tự, sau trận động đất ở Haiti năm 2010, một người đàn ông đã được giải cứu khỏi đống đổ nát ở Port-au-Prince sau 27 ngày mắc kẹt. Người này bị suy dinh dưỡng, mất nước và rối loạn tinh thần, nhưng không bị thương nặng.
Trong một sự kiện tại Hàn Quốc vào năm 1955, khi một trung tâm bách hóa bị sập, 502 người đã bị chôn vùi và thiệt mạng. Tuy nhiên, một nạn nhân tên Choi Myong Sok đã được kéo ra khỏi đống đổ nát sau 10 ngày mắc kẹt dưới đống đổ nát. Ông Sok chia sẻ ông uống nước mưa và ăn bìa các tông để sống sót. Thậm chí người này còn cố gắng giữ vững tinh thần bằng cách chơi một thứ đồ chơi của trẻ em bị rớt gần đó.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết