Con người ăn thịt từ thời tiền sử và tiêu thụ thịt ngày càng nhiều hơn. Chỉ trong 50 năm qua, toàn cầu tiêu thụ khoảng 350 triệu tấn thịt một năm, theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO).
Các dự đoán hiện tại cho thấy toàn cầu sẽ cần tới 455 triệu tấn thịt/năm vào năm 2050.
Tại sao con người ăn quá nhiều thịt khi biết điều đó có hại cho Trái đất và sức khỏe?
Nguồn thức ăn không hiệu quả
Các nhà khoa học từ lâu đã đưa ra lo ngại về tác động môi trường của việc con người ăn nhiều thịt, đặc biệt là đối với động vật được nuôi công nghiệp.
Thịt là nguồn thực phẩm sản xuất “kém hiệu quả” vì nó đòi hỏi nhiều năng lượng, nước và đất để sản xuất hơn những thứ khác mà chúng ta ăn.
Một nghiên cứu về tác động của việc trồng trọt cho thấy sản xuất thịt bò gây ra lượng khí thải nhà kính nhiều gấp sáu lần và đòi hỏi nhiều đất hơn 36 lần so với sản xuất protein thực vật, chẳng hạn như đậu Hà Lan.
Nếu không tiêu thụ thịt và sữa, việc sử dụng đất nông nghiệp trên toàn cầu có thể giảm hơn 75%.
Con người ăn thịt vì… tâm lý?
Tại sao hầu hết loài người vẫn tiếp tục ăn thịt? Ông Benjamin Buttlar – một nhà tâm lý học xã hội từ Đại học Trier, Đức – cho rằng điều này là do thói quen, văn hóa và nhu cầu nhận thức.
Nghiên cứu cho thấy nam giới thường biện minh rằng việc ăn thịt như một lẽ sống tự nhiên, bình thường và cần thiết trong chế độ ăn uống. Đó là một định kiến nam tính.
Ăn thịt liên quan gì quá trình tiến hóa loài người?
Các nhà khoa học từ lâu tin rằng ăn thịt giúp tổ tiên của chúng ta phát triển hình dạng cơ thể giống con người ngày nay hơn. Đồng thời, việc ăn thịt và tủy xương đã mang lại cho người Homo erectus năng lượng cần thiết để hình thành và nuôi bộ não lớn hơn vào khoảng 2 triệu năm trước.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã đặt câu hỏi về tầm quan trọng của việc tiêu thụ thịt trong quá trình tiến hóa của chúng ta.
Nghiên cứu đã thống kê số lượng hóa thạch và số lượng xương bị giết thịt được tìm thấy tại các khu vực nghiên cứu lớn ở phía Đông châu Phi, có niên đại từ 2,6 triệu đến 1,2 triệu năm trước. Qua đó cho thấy việc tiêu thụ thịt tăng lên cùng với sự xuất hiện của người Homo erectus.
Bà Briana Pobiner, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Smithsonian ở Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Tuy người Homo erectus ăn nhiều thịt hơn, nhưng thịt có thể không phải là nguyên nhân tiến hóa bộ não của chúng ta. Chúng tôi không thấy sự gia tăng lớn về kích thước não của con người vào khoảng thời gian họ bắt đầu ăn thịt”.
Có một số bằng chứng cho thấy loài người đầu tiên bắt đầu biết nấu chín thức ăn vào khoảng thời gian bộ não của họ lớn hơn. Việc làm nóng thức ăn sẽ giải phóng thêm chất dinh dưỡng và đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, vì thức ăn mềm hơn và dễ nhai hơn.
Bà Pobiner cũng tin rằng con người tiến hóa là do sự kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh chứ không phải mỗi thịt.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết