Thông tin CSGT TP.HCM đề nghị chủ quán nhậu báo tin khách say xỉn vẫn tự lái xe nhận nhiều ý kiến tranh luận bởi việc này bị cho rằng thiếu thực tế và bất khả thi.
Theo Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông .
Đánh giá cao vai trò của chủ các cơ sở kinh doanh và tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với chủ các cơ sở kinh doanh trong việc kéo giảm tai nạn giao thông gây ra do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, CSGT TP.HCM đã cùng công an các phường phối hợp gặp chủ các cơ sở kinh doanh có sử dụng rượu bia để tuyên truyền.
Theo nội dung cam kết, các chủ nhà hàng, quán nhậu, karaoke… sẽ thường xuyên nhắc khách đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; không tự lái xe sau khi đã uống rượu bia. Tại các quán nhậu cũng sẽ chủ động treo băng rôn với nội dung: “Không lái xe sau khi đã uống rượu bia”.
CSGT cũng đề nghị chủ quán, những người chứng kiến phát hiện người đã sử dụng rượu bia cố tình điều khiển xe có thể báo cho lực lượng CSGT gần nhất biết, xử lý.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Trong mối quan hệ giữa chủ quán và khách – thực chất là nơi cung cấp dịch vụ ăn uống và người sử dụng, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” hoặc “khách hàng luôn là thượng đế”. Vậy thử hỏi có quán nào dám chặn xe hoặc lén gọi điện cho CSGT thông báo việc thượng đế mình vi phạm nồng độ cồn?.
Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống về vấn đề trên, Luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật Pháp Trị) cho biết: Luật phòng chống tác hại của rượu, bia quy định về Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau: Phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia…(Khoản 3 điều 4). Hành vi có nồng độ cồn trong máu mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông là hành vi vi phạm quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Do vậy chủ các quan bia, rượu, nhà hàng phát hiện khách sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện ô tô, xe máy tham gia giao thông thì phải có trách nhiệm pháp lý thông báo tình trạng vi phạm đó đến cơ quan cảnh sát giao thông. Tuy nhiên từ trước đến nay người dân nói chung, chủ các quán bán rượu bia thường không biết đến hoặc cũng không xem trọng trách nhiệm thực thi nghĩa vụ pháp lý trên đây.
Do đó, CSGT TP.HCM đề nghị chủ quán nếu phát hiện khách uống rượu, bia, mà vẫn cố tình lái xe thì báo cho CSGT và công an địa phương là việc làm rất thiết thực để nhắc nhở nghĩa vụ chấp hành quy định pháp luật của người dân, chủ các quán, địa điểm bán bia rượu.
Việc làm này của lực lượng CSGT có căn cứ pháp luật theo quy định tại khoản 1, 2, Điều 3 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; Ưu tiên hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông.
“Tuy vậy cũng cần nhìn nhận rằng nếu chỉ tuyên truyền vận động thì tính khả thi của việc yêu cầu chủ quán nếu phát hiện khách uống rượu, bia, mà vẫn cố tình lái xe thì báo cho CSGT và công an địa phương sẽ không cao. Các chủ quán chỉ tỏ ra hợp tác để cho xong chuyện chứ với tâm lý có khách hàng có lợi nhuận thì không chủ quán nào lại đi thống báo khách hàng của mình cho cơ quan chức năng để xử lý cả. Ý tưởng tốt, có giá trị tuyên truyền nhưng tính thực tiễn gần như bằng không.
Để tăng cường hiệu quả của việc yêu cầu chủ quán nếu phát hiện khách uống rượu, bia, mà vẫn cố tình lái xe thì báo cho CSGT và công an địa phương thì cần điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành. Theo đó xác định trách nhiệm pháp lý cụ thể của chủ quán và nếu không chấp hành sẽ chịu chế tài xử phạt”, Luật sư Quách Thành Lực nhấn mạnh.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đặt ra các tình huống về việc chủ quán báo hay không báo khi biết khách say xỉn lái xe. Cụ thể, Tội không tố giác tội phạm là khi một người biết rõ các loại tội phạm theo Bộ luật hình sự đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật hình sự (Khoản 1 Điều 19 BLHS 2015). Còn trách nhiệm đấu tranh, phòng ngừa và chống vi phạm hành chính thì được quy định tại Điều 14 luật xử lý vi phạm hành chính.
“Theo tôi, vấn đề này đang ở ranh giới giữa hành chính và hình sự. Không ai biết được rằng sau khi uống rượu bia về sẽ gây tai nạn (hình sự) hoặc phát hiện thì xử phạt hành chính. Do vậy trước mắt cần bắt buộc treo banner về việc không uống rượu khi lái xe ở quán và buộc nó trở thành 1 điều kiện để xin giấy phép kinh doanh (tương tự hút thuốc có thể gây ung thư). Ngoài ra có thể có quy định về bắt buộc phải bắt xe về khi liên kết với dịch vụ vận chuyển (hoặc cho vào điều kiện kinh doanh về việc có phương tiện trở người say)”, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa nói và nhấn mạnh, do chưa có chế tài nên quy định chủ quán nếu phát hiện khách uống rượu, bia, mà vẫn cố tình lái xe thì báo cho CSGT không thể mang tính mệnh lệnh.
Từ lập luận trên, Luật sư Nghĩa đề xuất, ngoài xử phạt thì biện pháp vận động người dân tuân thủ cũng mang tinh thần xây dựng, là một bước trong công tác bảo vệ quần chúng nhân dân. Vì chính sức khỏe, tính mạng không chỉ của người điều khiển phương tiện, hạn chế tai nạn giao thông, gây ra nỗi đau cho bản thân cũng như những người vô tội không liên quan.
Đơn cử như nhiều hàng quán, quán bar ở phương Tây còn để sẵn máy đo nồng độ cồn ở ngay cửa ra. Nếu khách nào sau khi ăn uống xong đi về có thể ghé thổi thử, nếu nồng độ cồn quá mức quy định thì sẽ được khuyến cáo mạnh là không được lái xe về.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết