Đau nhức cơ xương khớp hậu COVID-19 là một trong những triệu chứng F0 đã khỏi bệnh dễ mắc phải. Không chỉ làm cơ thể mệt mỏi, mà còn tác động đến vận động cuộc sống của người bệnh.
Từ Bình Dương lên TPHCM khám bệnh, ông Nguyễn Văn Sỹ (59 tuổi) vừa hết COVID-19 được hai tuần. Trước lúc là F0, ông Sỹ gặp tình trạng khuỷu tay, đầu gối và khớp mắt cá chân bị nhức do lớn tuổi. Thế nhưng, sau khi hết COVID-19, những cơn đau nhức dần trở nên nặng hơn.
“Khi bắt đầu có triệu chứng mắc COVID-19, chân tay, mọi khớp đau, tôi mệt không muốn làm gì mà chỉ muốn nằm. Sau 4 ngày tôi hết COVID-19, các khớp xương vẫn mỏi lắm, lúc nào làm việc nặng một chút xíu thôi là thấy nhức mỏi rồi”, ông Sỹ chia sẻ.
Để có thời gian chăm sóc sức khoẻ, hàng ngày, ông Sỹ đều cố gắng vận động cơ thể nhẹ nhàng để khớp bớt mỏi, bên cạnh đó, ăn uống đều đặn hy vọng sức khoẻ tốt lên phần nào.
“Cách đây 3 ngày, tôi có đi khám ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.Thủ Đức, TPHCM. Ở đó, bác sĩ có cho tôi uống thuốc và nói cần thời gian để phục hồi, nhưng do lớn tuổi nên cơn đau nhức chỉ thuyên giảm chứ không khỏi hẳn”, ông Sỹ chia sẻ thêm.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia trên thế giới, trong thời điểm một tuần đầu mắc COVID-19, tỷ lệ bệnh nhân F0 bị đau cơ lên đến 70-80%, riêng trường hợp đau khớp, viêm xương khớp nhiễm COVID-19 ít hơn. Sau khi mắc COVID-19 bị đau cơ chiếm tỷ lệ 50%. Tình trạng này có khi kéo dài 3-6 tháng.
TS.BS Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM cho hay, các triệu chứng đau nhức xương khớp ghi nhận ở cả người có tiền sử mắc các bệnh về cơ xương khớp, khi mắc COVID-19, người bệnh rơi vào đợt bùng phát bệnh mới, rầm rộ hơn. Xương khớp người bệnh dễ bị tổn hại hơn, tăng mức độ nặng của bệnh, điều chỉnh thuốc cũng khó khăn hơn rất nhiều.
Những người chưa từng bệnh cơ xương khớp, sau khỏi COVID-19 cũng cảm thấy đau nhức, mỏi cơ xương khớp nhiều hơn, như đang trong một đợt cảm cúm.
Đồng thời, trong giai đoạn điều trị, xuất hiện thêm tình trạng bệnh nhân F0 tự ý sử dụng những đơn thuốc truyền miệng chứa corticoid rất nguy hiểm.
ThS.BS CKII Mai Duy Linh – Giảng viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho hay, trong giai đoạn điều trị tại nhà, nhiều F0 sử dụng các đơn thuốc truyền miệng chứa thành phần corticoid nhiều cũng là lý do lớn gây nên tình trạng loãng xương. Vì vậy, trong điều trị F0 cho sử dụng corticoid, phải có chỉ định của bác sĩ, thời gian sử dụng 5-7 ngày.
Theo các chuyên gia, để giảm đau nhức xương khớp cần phải có sự kiên trì, kết hợp nhiều phương pháp. Trường hợp cơn đau dai dẳng kéo dài trên hai tuần, bệnh nhân không có tiền căn của các bệnh cơ xương khớp, đau do hội chứng COVID-19 kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định dùng nhiều biện pháp kết hợp để giúp giảm đau như thuốc kháng viêm, vật lý trị liệu (tập vận động, laser, siêu âm trị liệu…).
Lifehub tổng hợp