Theo hãng thông tấn Czech (CTK), ngày 28/2, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto xác nhận nước này đã đồng ý với các điều khoản thanh toán của Moskva đối với khí đốt của Nga.
Theo ông Szijjiarto, 85% lượng khí đốt và 65% nguồn dầu mỏ của Hungary là nhập khẩu từ Nga. Do điều kiện cơ sở hạ tầng, Hungary không có các lựa chọn thay thế để đảm bảo các nguồn năng lượng hoặc các tuyến đường cho phép nước này ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga trong những năm tới.
Kể từ khi xung đột tại Ukraine, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva theo nhiều giai đoạn, trong đó EU hiện đang thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, Hungary lại là một trong số ít các quốc gia EU phản đối động thái này do lo ngại về tình trạng năng lượng và nền kinh tế của chính nước này.
Nhằm đáp trả những phản ứng gay gắt của phương Tây đối với việc Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố khách hàng từ “các quốc gia không thân thiện” sẽ phải thanh toán khí đốt mua của Nga bằng đồng ruble. Các nước EU và các công ty khí đốt của châu Âu đã từ chối yêu cầu trên vì cho rằng việc thay đổi phương thức thanh toán sẽ vi phạm các hợp đồng đã kí kết.
Về phía các nhà cung cấp khí đốt của Nga, việc thanh toán bằng đồng ruble sẽ giúp tăng đáng kể doanh thu. Nga đã phát triển và cung cấp cho các khách hàng một hệ thống thanh toán mới. Theo kế hoạch thanh toán này, khách hàng mua nguyên liệu thô phải mở hai tài khoản ngân hàng bằng đồng ngoại tệ và đồng ruble với Gazprombank, ngân hàng do Kremlin kiểm soát. Khách hàng mua năng lượng thanh toán bằng đồng euro hoặc USD, sau đó Gazprombank sẽ chuyển số tiền này vào tài khoản đồng ruble. Theo một nguồn tin thân cận với Gazprombank, 10 khách hàng châu Âu mua khí đốt của Nga đã mở tài khoản như vậy và 4 trong số đó đã thanh toán theo phương thức nói trên.
Công ty khí đốt Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vào sáng 27/4. Lý giải cho quyết định trên, Gazprom cho biết các công ty khí đốt PGNiG (Ba Lan) và Bulgargaz (Bulgaria) đã từ chối trả tiền bằng đồng ruble theo yêu cầu của Moskva. Điều này đã khiến giá khí đốt tại thị trường châu Âu ngay lập tức đã tăng lên đáng kể.
Lifehub tổng hợp