Kể cả tỷ phú, tất cả họ đều lo lắng, chỉ là chúng ta không biết họ lo lắng về điều gì mà thôi.
Tôi có một anh bạn cùng lớp, chúng tôi ra trường cùng nhau. Lúc đó, lương tháng của tôi là 4 triệu, còn anh ấy nhận được 10 triệu/ tháng. Khi lương tháng của tôi tăng lên 5 triệu, thì mức lương của anh ấy đã tăng lên 15 triệu/ tháng. Khi mức lương hàng tháng của tôi tăng lên 15 triệu/ tháng, tôi hỏi anh ấy hiện kiếm được bao nhiêu mỗi tháng và anh ấy đã trả lời rằng: “Tôi không có lương hàng tháng, thu nhập mỗi tháng của tôi phụ thuộc vào đầu tư.”
Vài ngày trước, chúng tôi họp lớp, tôi gặp lại anh ấy trên bàn tiệc. Tất nhiên mục hỏi lương thưởng của nhau là không thể tránh khỏi. Cả lớp chúng tôi đều biết rằng thu nhập của anh ấy tốt bậc nhất trong lớp, nhưng khi hỏi đến anh, anh liền tỏ ra cực kỳ lo lắng và nói: “Lương bao nhiêu cũng không quan trọng, quan trọng là tôi luôn cảm thấy lo lắng vì mãi chưa mua được nhà.” Nghe vậy, tôi liền vỗ bàn nói đùa: “Có phải anh đang coi thường bạn cùng lớp không. Thu nhập một tháng phải hơn lương năm của tôi mà cứ nói là lo lắng.” Lúc đầu tôi cũng chỉ nghĩ anh ta đang khiêm tốn hoặc đơn giản là không muốn người khác choáng vì thu nhập của mình cho đến khi nghe anh ấy kể về năm tháng đi làm, đầu tư, tích luỹ.
Khi chúng tôi còn đi học đại học, anh ấy ở cùng phòng ký túc xá với tôi. Nhà anh ấy ở một vùng quê chưa được đầu tư phát triển, điều kiện khá khó khăn dù học phí trường tôi cũng có thể xếp vào top rẻ nhất cả nước. Thời đó, học trên máy tính chưa phổ biến nhưng sinh viên vẫn cần laptop để làm powerpoint hoặc thuyết trình, nhưng anh ấy không đủ tiền để mua nó. Trường cho sinh viên hai kỳ nghỉ đông và nghỉ hè để về quê hoặc có thời gian đi du lịch để xả hơi, nhưng vì không có nhiều tiền, lại thêm tiền vé tàu rất đắt nên anh ấy thường chọn ở lại ký túc xá trường và dành nhiều thời gian đến thư viện để học.
Anh ấy tự biết bản thân không thể so sánh xuất thân, gia cảnh hay trí thông minh với bạn học, cho nên cách duy nhất để anh ấy cố gắng chính là học hành thật chăm chỉ. Khi bạn cùng phòng đang bận yêu đương thì anh chong đèn đọc sách, khi bạn bè rủ đi ăn đêm thì anh viện cớ vừa ăn no để làm thêm bài tập một cách điên cuồng. Nói theo cách riêng của anh ấy thì: “Thế giới bên ngoài tuyệt thật đấy, nhưng thứ tôi muốn là ở lì trong thư viện.”
Sau khi tốt nghiệp với thành tích đạt loại xuất sắc, anh ấy lập tức đầu quân cho một công ty tương đối lớn ở thành phố này. Mấy năm sau khi ra trường, anh đã nghĩ cuộc sống của mình rất tuyệt vời, nhưng điều anh ấy không ngờ được chính là giá thuê nhà, chi phí sinh sống tăng nhanh hơn cả thu nhập hàng tháng. Đặc biệt là đối với một người tha hương cầu thực, đi làm xa quê để kiếm tiền gửi về cho gia đình nhưng thậm chí mức sống tối thiểu của bản thân lại không thể đáp ứng đủ.
Kể đến đâu, đôi mắt anh ấy đỏ hoe, nước mắt dường như muốn trào ra, anh ấy nhấp thêm một ngụm kia rồi nói: “Tôi nghĩ cuộc đời của mình thế là xong rồi. Thu nhập của tôi dù ổn đấy nhưng có làm việc chăm chỉ đến đâu, tôi cũng không thể tự mua cho mình một ngôi nhà. Đi làm bao nhiêu năm, đã có vợ có con, tôi không muốn họ phải sống trong một căn nhà đi thuê nữa.” Đàn ông cũng là con người, khi họ chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống thì cũng không thể nào kìm lại được dòng nước mắt. Nhiều người hiểu được suy nghĩ của anh và đang có lo lắng tương tự. Mua một ngôi nhà không thực sự chỉ mang ý nghĩa là được sống trong đó, ngôi nhà thực sự là một cơ sở để những thành viên thực sự bước sang trang mới cuộc đời.
Thực tế, dù kiếm được bao nhiêu tiền nhưng chúng ta luôn lo lắng về những thứ cơ bản nhất như nhà cửa, xe cộ đi lại… Khi đang ở nhà thuê, chúng ta luôn mơ mộng về một căn nhà riêng. Khi sở hữu một căn nhà riêng rộng 100m vuông, chúng ta lại ao ước được sống trong một căn nhà 200m vuông. Khi chúng ta đang lái một chiếc xe thường, không gì có thể ngăn chúng ta tưởng tượng ra bản thân đang ngồi trên chiếc BMW đời mới nhất. Các tỷ phú trên thế giới có lo lắng không? Tất cả họ đều lo lắng, chỉ là chúng ta không biết và không biết họ lo lắng về điều gì mà thôi.
Có một cách mà tôi đã tìm ra để khiến bản thân bớt lo lắng và nhẹ nhõm hơn, đó là đừng trì hoãn những công việc của ngày hôm nay. Chỉ cần đặt mục tiêu cho bản thân mỗi ngày và tính toán số tiền phải kiếm để có thể hoàn thành mục tiêu đó. Đừng so sánh bản thân với người khác, hãy so sánh bản thân với ngày hôm qua. Kiếm được 10 triệu, hãy sống cuộc sống 10 triệu, đừng ảo tưởng cuộc sống với thu nhập 100 triệu dẫn đến những sai lầm trong tài chính.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết