Ngày 28/10, Bộ Y tế cho biết 5/7 mẫu bệnh phẩm dịch họng và huyết thanh học của trẻ bị sốt ở Bắc Kạn đã được thu thập và chuyển về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm cho kết quả dương tính cúm B. Đây là 1 trong 2 chủng cúm mùa (A, B) thường lưu hành trên thế giới và Việt Nam.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết ngay sau khi nhận thông tin về ổ dịch, Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý ổ dịch và truyền thông nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân.
Cục Y tế dự phòng đã đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương cử đoàn công tác phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn điều tra, làm rõ nguyên nhân gây bệnh và hỗ trợ triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch.
Bộ Y tế thông tin thêm, hiện nay đang trong thời điểm giao mùa (tháng 9-10 hằng năm); thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển dẫn đến số mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa tăng cao, đặc biệt với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Ngày 28/10, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về ổ dịch tại huyện Chợ Đồn, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cử một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, có chuyên môn về bệnh cúm lên Bắc Kạn hỗ trợ về các giải pháp điều trị và đặc biệt là các dấu hiệu nặng của bệnh để kịp thời liên hệ chuyển tuyến khi cần. “Đầu tuần tới, Bệnh viện sẽ bố trí đoàn lên Bắc Kạn hỗ trợ đồng nghiệp về chuyên môn trong cách li, xử lí, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh nặng, không để lây nhiễm trong bệnh viện…”, TS Điển nói.
Theo báo cáo của UBND huyện Chợ Đồn, tính đến 12h ngày 27/10, ổ dịch cúm tại huyện Chợ Đồn đã ghi nhận 736 trường hợp, trong đó có 667 trường hợp tập trung chủ yếu tại các trường Mầm non, Tiểu học Thị trấn Bằng Lũng, Trường PT Dân tộc Nội trú huyện Chợ đồn; 1 trường hợp tử vong. Hiện còn 70 bệnh nhi đang điều trị tại các cơ sở y tế, các bệnh nhi không có biểu hiện nặng.
7 mẫu (3 mẫu tại Khoa Nhi, 04 mẫu lấy tại Trạm Y tế là học sinh tiểu học Thị trấn Bằng Lũng) bệnh phẩm gồm dịch họng và huyết thanh vận chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ ngày 26/10 để xét nghiệm khẳng định, kết quả 5/7 mẫu dương tính với cúm B, 2 mẫu âm tính. Theo kết quả xét nghiệm ban đầu có thể xác định đây là dịch cúm B, thường xảy ra vào thời điểm mùa thu – đông. Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, xảy ra nhiều ở nhóm tuổi trẻ em (<16 tuổi) nên nguy cơ có thể xuất hiện các ca nặng, do đó tất cả các địa phương cần đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, đồng thời đảm bảo các điều kiện cấp cứu, điều trị kịp thời.
Phát hiện sớm để tránh lây lan dịch
Cúm B được cho là chủng cúm phổ biến, các biểu hiện ban đầu của cúm B thường nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn. Khi mắc cúm B người bệnh sốt nóng hoặc rét run, thường sốt cao với nhiệt độ khoảng 39 – 41 độ C ở những ngày đầu phát bệnh. Tùy từng người bệnh sốt có thể kéo dài đến 5 ngày. Ngoài ra, người bệnh bị ho, đau mỏi cơ, đổ mồ hôi có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Người bệnh ho, mệt mỏi kéo dài đến 2 tuần hoặc lâu hơn, gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.
TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, nếu phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm cúm sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm cho mọi người xung quanh, ngăn chặn virus phát triển nặng và có hướng điều trị kịp thời. Cũng giống như các loại cúm virus, cúm B chưa có thuốc đặc trị mà chủ yếu, điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm ho,.. và kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết