Cả vật lý, tâm lý học lẫn triết học đều đã cố gắng giải thích và phân tích thời gian – một khái niệm quen thuộc nhưng vô cùng khó định nghĩa.
Ai trong chúng ta cũng từng ước có thể “đóng băng” thời gian dừng lại trong những khoảnh khắc hạnh phúc hoặc để không phải đối mặt với những nỗi buồn, chia ly biết trước. Ngưng đọng thời gian vẫn luôn là chi tiết thường xuyên xuất hiện trong những cuốn sách, bộ phim khoa học viễn tưởng.
Nhưng liệu chúng ta có thể thực sự làm thời gian dừng lại không? Để trả lời cho câu hỏi vô cùng mơ hồ này, các nhà khoa học phải đi sâu vào những ngóc ngách xa nhất của vật lý, triết học và nhận thức của con người.
Thời gian là gì?
Đầu tiên, chúng ta phải xác định khái niệm thời gian là gì. Sean Carroll, một nhà vật lý lý thuyết chuyên nghiên cứu về thời gian tại Viện Công nghệ California nói với Live Science: “Đối với một nhà vật lý, câu hỏi này không quá khó. Thời gian thực chất chỉ là một ‘nhãn hiệu’, một công cụ đong đếm. Nó cho chúng ta biết khi nào điều gì đó xảy ra”.
Carroll nói thêm: “Nhiều phương trình vật lý không phân biệt sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Một nơi mà thời gian xuất hiện là trong thuyết tương đối của Albert Einstein. Theo lý thuyết của Einstein, thời gian được đo bằng đồng hồ. Bởi vì các bộ phận của đồng hồ phải di chuyển trong không gian, thời gian được ‘trộn lẫn’ với không gian thành một khái niệm lớn hơn được gọi là không-thời gian làm nền tảng cho vũ trụ”.
Thuyết tương đối nổi tiếng đã chỉ ra rằng thời gian có thể được “định lượng” một cách phức tạp và khó khăn vì nó tùy thuộc vào tốc độ di chuyển của một quan sát viên so với một quan sát viên khác. Nếu bạn cử một người có đồng hồ lên tàu vũ trụ ở tốc độ gần ánh sáng, thời gian đối với họ dường như sẽ trôi qua chậm hơn so với một người đang đứng yên trên Trái đất. Một phi hành gia rơi vào một lỗ đen có lực hấp dẫn khổng lồ có thể làm cong thời gian có thể cảm nhận thời gian khác hoàn toàn so với một quan sát viên ở xa.
Nhưng đó thực sự không phải là cách để thời gian dừng lại. Hai đồng hồ có thể không đồng nhất về thuyết tương đối, nhưng mỗi đồng hồ sẽ vẫn ghi lại thời gian trôi qua trong hệ quy chiếu của riêng chúng. Nếu bạn đang ở gần một hố đen, bạn sẽ không nhận thấy bất cứ điều gì khác biệt. Nhưng nếu nhìn vào đồng hồ đeo tay của mình và nó sẽ trôi qua với tốc độ một giây mỗi giây.
Thời gian dừng lại mọi chuyển động cũng sẽ dừng lại
Đối với Carroll, việc tìm cách làm thời gian dừng lại không có ý nghĩa gì. Chúng ta biết rằng một chiếc ô tô đang chuyển động bởi vì vào những thời điểm khác nhau, nó ở những vị trí khác nhau trong không gian. Nhà vật lý học nhận định: “Chuyển động là thay đổi theo thời gian, vì vậy bản thân thời gian không thể di chuyển. Nói cách khác, nếu thời gian dừng lại, mọi chuyển động cũng sẽ dừng lại”.
Đó chính là lý do trong những bộ phim viễn tưởng, khi các siêu anh hùng tạm dừng thời gian, mọi thứ, mọi người xung quanh cũng phải đứng yên bất động. Nhưng về mặt thực tế, chi tiết này đặt ra một câu hỏi khác: “Nếu không gian cũng phải ngừng lại thì không khí cũng phải bất động. Vậy khi đó con người hít thở như thế nào?”.
Nhưng như vậy vẫn chưa hết. Khi dừng thời gian lại, con người cũng sẽ không thể nhìn thấy gì vì các tia sáng sẽ không còn đến được nhãn cầu của chúng ta nữa.
Nếu bóc tách vấn đề ra khỏi phạm vi vật lý, thời gian không chỉ là thứ được đọc trên đồng hồ. Đó cũng là cảm giác mà chúng ta có trong đầu và cơ thể. Nó là một nhịp điệu tự nhiên của thế giới. Thời gian có thể có lúc cảm giác rất nhanh, có lúc lại cảm giác trôi rất chậm.
Craig Callender cho biết ấn tượng chủ quan của mỗi người về thời gian sẽ khiến câu hỏi “Thời gian có dừng được không?” đi theo một hướng thú vị khác hẳn.
Có một ảo ảnh tâm lý nổi tiếng được gọi là “chronostasis”. Bạn có thể tự thực hiện thí nghiệm để trải nghiệm cảm giác chronostasis tạo ra. Hãy đặt một chiếc đồng hồ ở rìa tầm nhìn của mình, sau đó nhìn chằm chằm vào thứ khác trong giây lát. Khi liếc lại chiếc đồng hồ và tập trung vào kim giây, bạn sẽ thấy kim giây bất động, thời gian tưởng chừng như vừa dừng lại.
Ảo ảnh này xuất hiện liên quan đến chuyển động của mắt gọi là saccades. Khi nhãn cầu của bạn nhấp nháy qua lại rất nhanh để liên tục tiếp nhận hình ảnh môi trường xung quanh, để ngăn bạn nhìn thấy một vùng mờ hỗn loạn, bộ não của ta sẽ tự động chỉnh sửa những gì nó nhìn thấy trong thời gian thực và tạo ra ấn tượng về một trường nhìn liên tục.
“Nếu chúng ta chỉ bàn về cảm giác chủ quan của mình về thời gian, thì chúng ta có thể “đóng băng” nó một lúc bằng cách tạo ra ảo ảnh chronostasis cho chính mình. Đây đã là điều gần nhất mà con người có thể làm được lúc này rồi”, Callender nói.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết